Vụ ngư dân tố tàu Trung Quốc tấn công: Việt Nam sẽ xác minh và có phản ứng chính thức
(Dân trí) - Việt Nam đang xác minh thông tin về việc ngư dân tỉnh Quảng Ngãi tố bị tàu Trung Quốc tấn công và cướp tại Hoàng Sa và sẽ có phản ứng chính thức trước vụ việc này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều nay (15/10), phóng viên đã đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc 10 ngư dân trên tàu cá QNg 90352-TS của tỉnh Quãng Ngãi đã tố bị tàu tuần tra Trung Quốc cố tình đâm chìm và rồi cướp tài sản của họ.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đang xác minh thông tin này và nếu có việc tàu chấp pháp tàu nước ngoài ngăn cản hoạt động bình thường và hợp pháp của ngư dân Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, chúng tôi sẽ có phản ứng chính thức và phù hợp”.
“Một lần nữa chúng tôi phản đối mạnh mẽ những hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam trong bất kỳ trường hợp nào. Chúng tôi cũng khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống từ bao đời nay của ngư dân Việt Nam”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Như Dân trí đã đưa, khoảng 7 giờ sáng ngày 29/9, khi tàu cá QNg 90352-TS đang neo đậu tại đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa thì bất ngờ bị một con tàu sơn màu trắng, thân tàu ghi số 2 màu đen và treo cờ Trung Quốc đâm vào mạn phải tàu.
Ngay lập tức, có 5 người Trung Quốc cầm dùi cui điện nhảy qua tàu cá, đánh tới tấp rồi dồn ngư dân lên mũi tàu, đồng thời lấy hết hải sản cùng trang thiết bị của họ. Đến tối cùng ngày, tàu cá QNg 90352-TS chìm dần. Ngay lúc đó, tàu cá QNg 90440-TS đang hoạt động gần đó đã kịp thời đến cứu và đưa các ngư dân trở về an toàn vào ngày 13/10.
Trước thông tin Mỹ đã trao đổi với một số nước ở châu Á về việc đưa tàu tuần tra vào khu vực 12 hải lý quanh các quần đảo mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép tại Biển Đông, ông Lê Hải Bình cho hay: “Chúng ta đều biết Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng không, hàng hải trong khu vực này”.
“Những đóng góp đó phải trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhằm hướng tới sớm đạt được COC (Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông).
Nam Hằng