Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động quan trắc trái phép ở Trường Sa

(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, việc Trung Quốc đưa các trạm quan trắc vào hoạt động trái phép tại quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này.

Tuyên bố trên được Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, chiều 8/11.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Tại cuộc báo, trước câu hỏi thời gian gần đây truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc tuyên bố khai trương trạm khí tượng tại 3 đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Trường Sa, bà Lê Thị Thu Hằng đã nêu rõ quan điểm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên các cấu trúc xây dựng, cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này.” - bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Nhấn mạnh về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nói trên, tuân thủ nghiêm thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như những nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).”.

Cũng tại cuộc họp báo này, báo giới quốc tế đã đưa ra thông tin một công ty mạng đưa tên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành tên Tam Sa và đề nghị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bình luận.

“Bạn nhắc đến đó là trang Windy.com - ứng dụng thời tiết đúng không? Tôi xin khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.” - bà Hằng nói.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng thông tin thêm, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xử lý việc này.

Trước đó, ngày 4/11, tại Thượng Hải - Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất.

Tại đây, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí sẽ kiểm soát tốt bất đồng, giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển, không để ảnh hưởng tới môi trường hòa bình, ổn định cũng như sự phát triển của quan hệ hai nước.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, “Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước về Luật biển năm 1982; duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Châu Như Quỳnh