Việt Nam học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng của các thành viên APEC
(Dân trí) - “Việt Nam thi hành luật phòng, chống tham nhũng hơn 10 năm, nhưng thành quả vẫn chưa được như mong đợi. Nhưng chúng ta không nên rơi vào trạng thái mệt mỏi. Còn có nhiều giải pháp tốt, kinh nghiệm tốt để đẩy mạnh chống tham nhũng và minh bạch hóa mà các nền kinh tế bạn trong APEC chia sẻ để chúng ta kiên trì học tập”.
Ngày 20/2, bên lề Hội thảo “Chống tham nhũng và minh bạch hóa” nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất quan chức cấp cao APEC 2017 (SOM 1) và các cuộc họp liên quan đang diễn ra tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã chia sẻ với PV như trên.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh với vai trò là Chủ tịch Nhóm công tác về Chống tham nhũng và Minh bạch (ACTWG) trong năm APEC 2017 cho biết, sáng kiến của Việt Nam đưa ra tại Hội thảo cũng chính là nội dung chủ đề là làm sao để tăng cường vai trò của doanh nghiệp và người dân trong chống tham nhũng. Sáng kiến của Việt Nam nhận được sự ủng hộ rất cao của các nền kinh tế thành viên APEC. Bên cạnh đó các nền kinh tế thành viên cũng chia sẻ kinh nghiệm về thu hồi tài sản tham nhũng, buôn lậu, rửa tiền...
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chia sẻ: “Việt Nam thi hành luật phòng, chống tham nhũng hơn 10 năm, nhưng thành quả vẫn chưa được như mong đợi. Nhưng theo tôi, chúng ta không nên rơi vào trạng thái mệt mỏi. Còn có nhiều giải pháp tốt, kinh nghiệm tốt để đẩy mạnh chống tham nhũng và minh bạch hóa mà các nền kinh tế bạn trong APEC chia sẻ để chúng ta kiên trì học tập.
Theo đó, có nhiều giải pháp, kinh nghiệm tốt của các nền kinh tế bạn như ở Hàn Quốc, người tố cáo tham nhũng được đảm bảo vẫn giữ được việc ở các cơ quan, doanh nghiệp mà họ phát hiện tham nhũng và tố cáo trong khi làm việc tại đó; đảm bảo cho người tố cáo tham nhũng không mất công ăn việc làm. Hay ở Thái Lan, Chính phủ có dự án tổ chức cho người dân đánh giá tính liêm chính của các cơ quan công quyền...”.
Các nền kinh tế thành viên APEC góp nhiều sáng kiến, giải pháp đẩy mạnh chống tham nhũng và thúc đẩy minh bạch hóa
Đại diện nền kinh tế chủ nhà bày tỏ kỳ vọng các thành viên trong Nhóm ACTWG của APEC tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy thực hiện hiệu quả các cam kết mà các nhà lãnh đạo APEC đã đưa ra, trong đó xoay quanh các trụ cột chính là Chương trình hành động chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch APEC 2004, Cam kết Santiago về Chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch 2004, Tuyên bố Bắc Kinh 2014 và Tuyên bố Manila 2015.
Theo đó, xây dựng các khung pháp luật, thực thi pháp luật, và quản lý nhằm phòng, chống tham nhũng; nuôi dưỡng một nền văn hóa quản trị cởi mở, minh bạch và chống tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện các biện pháp, quy trình và tiêu chuẩn thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; bảo vệ môi trường khỏi tổn hại do tham nhũng; tăng cường hợp tác và đối thoại công-tư; thúc đẩy hợp tác quốc tế để loại bỏ nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ có hành vi tham nhũng và tăng cường hành động tập thể nhằm chống buôn lậu và xóa bỏ các mạng lưới bất hợp pháp xuyên quốc gia trên toàn khu vực.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần có các luật và quy định để tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội vào quá trình ra các quyết định, phân bổ ngân sách, theo dõi sự thực thi của các chính sách. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng điều này, kể cả cấp độ phường, xã. Đại diện của Singapore cho biết, nước này đã có bước tiến lớn trong minh bạch tài chính với việc tăng cường thanh toán qua tài khoản. Mua bất động sản hay các tài sản lớn ở Singapore đều rõ ràng trên mạng.
Một trong những cách thức phòng, chống tham nhũng có hiệu quả là kê khai tài sản. Tuy nhiên, theo ông Francesco Checchi - cố vấn Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc khu vực Đông Nam Á, điều quan trọng là các cơ quan pháp luật quản lý được nội dung kê khai tài sản, phải đảm bảo người kê khai phải kê đúng, kê đủ chứ không được “quên” và phải tập trung một số người lãnh đạo nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng.
Khánh Hiền