Việt Nam gặp thách thức trong việc duy trì tăng trưởng bền vững
(Dân trí) - Việt Nam đã có thành tích ấn tượng về giảm nghèo, đưa tỷ lệ nghèo từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng 14,5% năm 2008. Tuy nhiên, nước ta vẫn gặp nhiều thách thức trong việc thu hẹp sự mất cân bằng về thu nhập và duy trì tăng trưởng bền vững.
Trong những năm qua, Việt Nam luôn ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; trung bình nông nghiệp đóng góp gần 20% GDP và giải quyết gần 50% việc làm cho người lao động.
Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã có thành tích ấn tượng về giảm nghèo, đưa tỷ lệ dân số đói nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng 14,5% năm 2008. Cùng với đó, hầu hết các chỉ số phúc lợi xã hội đã được cải thiện và người dân được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ công bao gồm giáo dục từ bậc mầm non đến trung học cơ sở, điện, nước sạch và giao thông,… Thành công đó là nhờ sự đổi mới cải cách về kinh tế, xã hội bắt đầu khởi xướng từ năm 1986, “đổi mới” đã giúp Việt Nam thoát nghèo từ một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người khoảng dưới 100 USD/năm lên gần 2.000 USD/năm vào năm 2013.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu chính về gạo, cà phê và một số sản phẩm nông nghiệp khác, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thông nói chúng và góp phần ổn định an ninh lương thực. Năm 2013, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 27,5 tỷ USD. Từ đầu năm 2014 đến nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt hơn 20 tỷ và con số này được kỳ vọng sẽ đạt hơn 30 tỷ USD vào cuối năm nay.
“Hơn 20 năm qua nông nghiệp Việt Nam chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, sắp tới ngành nông nghiệp định hướng sẽ phát triển theo chiều sâu”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Kỹ thuật lần thứ 29 Trung tâm Phát triển Nông thôn Tổng hợp vùng Châu Á Thái Bình Dương khai mạc sáng nay, 15/9, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, để đạt được mục tiêu trên, ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT đã có Chương trình hành động và Chỉ thị để thực hiện Đề án này. Một trong các giải pháp chiến lược thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là ứng dụng khoa học công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật đồng bộ phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung khai thác, tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới,…vv.
“Mặc dù Việt Nam đã có những thành công ấn tượng trong xóa đói, giảm nghèo nhưng nước ta vẫn còn những thách thức trong việc thu hẹp sự mất cân bằng về thu nhập và duy trì tăng trưởng bền vững”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định.
Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên trở thành thành viên của Trung tâm phát triển nông thôn tổng hợp vùng Châu Á Thái Bình Dương (CIRDAP), một tổ chức quốc tế được thành lâp từ năm 1979. Mục đích của CIRDAP là nhằm thúc đẩy sự phát trienr của nông nghiệp, nông thông và tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên để hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Hội nghị là cơ hội để các nước thành viên mở rộng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước, từ đó giúp CIRDAP phát triển và trở thành cầu nối quan trọng đóng gọp hiệu quả cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Châu Á Thái Bình Dương.
Nguyên An