Về vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội

Trong quá trình thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có một số ý kiến khác nhau chung quanh quy định về vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Về vấn đề này chúng tôi có một số ý kiến như sau:

 1- Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng Cộng sản Việt Nam có cơ sở lịch sử, chính trị - tư tưởng và pháp lý rõ ràng, vững chắc.

 Về mặt lịch sử, hơn 80 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay, Ðảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là lực lượng duy nhất tổ chức vận động, lãnh đạo, đồng thời là người đi tiên phong, không sợ hy sinh gian khổ trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng ta khởi xướng, lãnh đạo hơn 27 năm qua tạo nên vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Vì lẽ đó, Ðảng Cộng sản Việt Nam xác lập được vị trí lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua uy tín của Ðảng và niềm tin của nhân dân.

 Về chính trị - tư tưởng, Ðảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; mục tiêu của Ðảng là xây dựng một xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Mục tiêu đó phản ánh chân thực và khách quan khát vọng của đại đa số quần chúng nhân dân ta và phù hợp với xu thế phát triển lịch sử.

 Về pháp lý, vai trò lãnh đạo của Ðảng được quy định tại Ðiều 4 của Hiến pháp năm 1992 được các đại biểu Quốc hội - đại diện cho nhân dân biểu quyết thông qua. Việc Hiến pháp quy định vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là điều hoàn toàn phù hợp quyền dân tộc tự quyết, được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc.

 Như vậy, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Ðảng là đương nhiên và hợp pháp.

 2- Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là căn cứ xây dựng toàn bộ hệ thống pháp luật, điều chỉnh các mối quan hệ giữa nhà nước với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội và công dân. Do đó, việc Hiến pháp khẳng định về mặt nguyên tắc Ðảng "là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" không phải do Ðảng tự đề xướng, mà là có tính chất bắt buộc đối với chính đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền, thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật. Vi phạm nguyên tắc này là vi phạm pháp luật, phải bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

  Ðồng thời, vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội không chỉ được quy định trong Hiến pháp, mà còn được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế hoặc điều lệ của các cơ quan, tổ chức tùy theo mối quan hệ cụ thể. Như vậy, có thể nói, vai trò lãnh đạo của Ðảng được xây dựng trên cơ sở pháp lý đồng bộ (hệ thống các văn bản pháp luật) và đồng thuận (điều lệ, quy định) của các tổ chức có liên quan, không phải do Ðiều lệ Ðảng "đơn phương" quy định. Ðây là một yếu tố quan trọng bảo đảm tính chính danh đầy đủ của quy định tại Ðiều 4 Hiến pháp và Ðiều lệ Ðảng, điều lệ các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội về mối quan hệ của Ðảng với các tổ chức khác.

 3- Với vai trò là hạt nhân chính trị trong hệ thống chính trị, Ðảng Cộng sản Việt Nam thực hiện sự lãnh đạo chính trị đối với toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó có Nhà nước. Sự lãnh đạo chính trị của Ðảng được thể hiện thông qua quyền quyết định và quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối chính trị.

 Ðảng quyết định và chịu trách nhiệm về đường lối chính trị trong tất cả các lĩnh vực hoạt động và phát triển của đất nước. Quyền lực chính trị của Ðảng được kết tinh trong cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị, chủ trương tạo lập khung chính trị cho sự phát triển của đất nước, của từng lĩnh vực, từng ngành, từng cấp trong  mỗi giai đoạn phát triển.

 Lý luận và thực tiễn phát triển của các quốc gia trên thế giới ngày nay cho thấy, bản chất của một nền dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay chế độ một đảng, mà phụ thuộc ở chỗ, Ðảng cầm quyền đại diện cho lợi ích của ai, sử dụng quyền lực nhà nước vào những mục đích gì trên thực tế. Về sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay nhiều đảng, mà phụ thuộc vào tính khoa học, sáng tạo của đường lối phát triển đất nước và năng lực lãnh đạo của Ðảng cầm quyền. Vì vậy, điều kiện để xây dựng nhà nước pháp quyền và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là chế độ đa đảng hay chế độ một đảng và không thể xem là căn cứ để đánh giá tính chất, trình độ của một nền dân chủ và sự năng động của nền kinh tế. Sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản duy nhất cầm quyền đối với xã hội và Nhà nước không những không mâu thuẫn với bản chất của nhà nước pháp quyền nói chung mà còn là điều kiện có ý nghĩa tiên quyết đối với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân ở nước ta.

 Do vậy, nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam là một trong những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN.

 4- Ðảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tuy nhiên, trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước, quyền lực của Ðảng luôn là quyền lực chính trị. Ðảng cầm quyền, không có nghĩa là quyền lực chính trị của Ðảng trở thành quyền lực nhà nước. Quyền lực chính trị của Ðảng cầm quyền và quyền lực nhà nước là hai phạm trù khác nhau, mặc dù liên quan mật thiết với nhau. Quyền lực chính trị của Ðảng cầm quyền trong mối quan hệ với Nhà nước được thể hiện trên hai phương diện: quyền định hướng chính trị cho tổ chức và hoạt động của nhà nước và quyền sử dụng bộ máy nhà nước để thực hiện các mục tiêu chính trị của mình. Ðảng cầm quyền không thực hiện quyền lực nhà nước và phải thông qua bộ máy nhà nước để thực hiện cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của mình. Ðảng không làm thay công việc của Nhà nước. Do vậy để đảm đương sứ mệnh cầm quyền, Ðảng phải chăm lo xây dựng, củng cố bộ máy nhà nước, bảo đảm cho bộ máy nhà nước thực hiện đúng các chức năng, nhiệm vụ theo luật định.

 Năng lực cầm quyền của Ðảng được xác định bởi năng lực xây dựng và quyết định đường lối chính trị; năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên được Ðảng giới thiệu để bầu cử (bổ nhiệm) vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước và bởi năng lực kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối chính trị của Ðảng trong hoạt động nhà nước. Vì vậy, để thực hiện được vai trò cầm quyền của mình mà không làm thay công việc Nhà nước, Ðảng cần tập trung trí tuệ và bộ máy của mình vào thực hiện tốt ba công tác cơ bản: Xây dựng và quyết định đường lối chính trị; đào tạo, rèn luyện một đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trình độ và uy tín để thực hiện có hiệu quả đường lối chính trị của Ðảng thông qua các hoạt động của nhà nước; kiểm soát được quá trình thực hiện đường lối chính trị trong thực tiễn. Có thể khái quát rằng, ba nhóm công tác cơ bản này về thực chất hợp thành nội dung cầm quyền của  Ðảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

 5- Trong lịch sử, Ðảng Cộng sản Việt Nam xác lập được vị trí cầm quyền của mình thông qua uy tín của Ðảng, niềm tin của nhân dân và hiệu quả lãnh đạo của Ðảng đối với xã hội. Trong bối cảnh mới, Ðảng chỉ có thể tiếp tục giữ vững được vị trí cầm quyền của mình khi uy tín của Ðảng trong xã hội tiếp tục được khẳng định và không ngừng nâng cao, khi niềm tin của nhân dân đối với Ðảng tiếp tục được củng cố, hiệu quả lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội được tăng cường.

 Mọi sự lạm dụng vốn uy tín và niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Ðảng được xây đắp trong các thời kỳ cách mạng sẽ dẫn đến nguy cơ làm suy giảm uy tín của Ðảng, xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Ðảng. Ðúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Nếu Ðảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên"(Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI).

 Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác xây dựng Ðảng. Ðể đảm đương được vai trò lãnh đạo, Ðảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo...

 6- Trong điều kiện hiện nay của nước ta, các thế lực thù địch đang âm mưu "diễn biến hòa bình", sử dụng chiêu bài "dân chủ" và tự do, đa nguyên chính trị, đa đảng, hòng từng bước làm thay đổi chế độ chính trị. Mục tiêu của chúng là từng bước hạn chế, đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Phương thức hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu đó là thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", là xóa bỏ Ðiều 4 Hiến pháp năm 1992.

 Kinh nghiệm lịch sử về sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 cho thấy, xóa bỏ quy định về vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Liên Xô trong Hiến pháp là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm tan rã Ðảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Ðiều 6 Hiến pháp Liên Xô năm 1977 quy định: "Lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội Xô-viết và hạt nhân của hệ thống chính trị, của tất cả các tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội, là Ðảng Cộng sản Liên Xô. Ðảng là của dân, và vì dân. Ðảng Cộng sản, được trang bị bằng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quyết định mô hình chung cho sự phát triển của xã hội và đường lối đối nội và đối ngoại của Liên Xô, chỉ đạo các kế hoạch lớn của nhân dân Xô-viết, và có vai trò lên kế hoạch, hệ thống hóa và chứng minh lý thuyết trong cuộc đấu tranh của nhân dân vì sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Mọi tổ chức đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp Liên Xô".

 Do sự phản bội của ban lãnh đạo Ðảng, bằng lập luận "Ðảng Cộng sản Liên Xô thông qua bầu cử, giành lấy và duy trì vị thế của Ðảng cầm quyền...", Nghị quyết của Ðại hội đại biểu bất thường lần thứ ba của Ðảng Cộng sản Liên Xô tổ chức ngày 12-3-1990, đã sửa đổi Lời nói đầu và Ðiều 6 của Hiến pháp năm 1977 nhằm xóa bỏ cơ sở pháp lý của việc Ðảng Cộng sản Liên Xô cầm quyền suốt 73 năm kể từ sau Cách mạng Tháng Mười. Chỉ sau một năm, đã có khoảng 20 chính đảng cấp Liên bang, hơn 500 chính đảng cấp nước cộng hòa là những lực lượng chính trị góp sức làm suy yếu, tan rã Ðảng Cộng sản Liên Xô. Và cuối tháng 8-1991, Ðảng Cộng sản Liên Xô bị giải tán, ngày 25-12-1991 là ngày tồn tại cuối cùng của Liên Xô.

 7- Với những căn cứ trên đây, chúng tôi cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định về vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

 - Hoàn thiện quy định về Ðảng theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): "Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc".

 - Ðể thắt chặt mối quan hệ giữa Ðảng và nhân dân, nghiên cứu bổ sung trong Hiến pháp quy định "Tổ chức và hoạt động của Ðảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình trước nhân dân". Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Do vậy, vị trí cầm quyền, nội dung và phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội phải chịu sự giám sát của nhân dân và phải được hiến định để tạo cơ sở luật hóa theo đúng yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Theo TS. Trương Minh Tuấn

Báo Nhân dân điện tử