"Vai trò quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng"

(Dân trí) - Tờ The Korea Herald của Hàn Quốc ngày 31/8 viết: Bản lĩnh khi đối diện với khó khăn, quả cảm trước những vấn đề “ngàn cân treo sợi tóc”, ông Nguyễn Tấn Dũng là vị thủ tướng có tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng đối với công cuộc đổi mới tại đất nước này.

Bài báo viết về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên
Bài báo viết về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên The Korea Herald

Thông tin phát đi từ cuộc họp báo thường kỳ 8 tháng đầu năm 2013 của Văn phòng Chính phủ cho thấy kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát tiếp tục được kiềm chế; lãi suất giảm; tăng trưởng tín dụng có chuyển biến tốt; khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từng bước được tháo gỡ; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có những bước cải thiện; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra; tỷ lệ nhập siêu thấp; các chính sách về an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững...

“Kịch bản” xấu đã không xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam, dù cho vấn đề nợ xấu hồi cuối năm ngoái đã phủ một màu xám xịt lên bức tranh tài chính, ngân hàng. Niềm tin đã kéo các nhà đầu tư trở lại thị trường Việt Nam với những tín hiệu sáng sủa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép từ 1/1/2013 đến 20/8/2013 là 769 dự án, số vốn đăng ký 7404,6 triệu USD. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh, số doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu hướng giảm dần. Khoảng 10 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động năm 2012 nay đã quay trở lại hoạt động.

Hình ảnh gần 10 ngàn doanh nghiệp “sống lại” và sự “gượng dậy” ngoạn mục của nền kinh tế chính là bằng chứng sống động cho thấy những chính sách và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh mà Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành, chỉ đạo đang phát huy tác dụng, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Người dân bắt đầu nhìn thấy vai trò và tầm ảnh hưởng của ông Nguyễn Tấn Dũng sau một thời gian ông bị chỉ trích vì cho rằng chính phủ điều hành kém, khiến cho nền kinh tế mới nổi này gặp khó. Từ Đại học George Mason (Virginia) Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà nghiên cứu chính trị quốc tế và tình hình chính trị Việt Nam khẳng định: vị thế của ông Nguyễn Tấn Dũng được củng cố sau TƯ 7. Ông Dũng đã thể hiện được bản lĩnh chính trị trước những vấn đề nóng của đất nước.

Quả thật, ông Dũng đã cho nhân dân thấy mình là vị thủ tướng xuất sắc nhất Châu Á như nhận xét của báo chí trong nước và quốc tế. Sự xuất sắc của ông Dũng thể hiện từ cách thức ông điều hành nền kinh tế tới cách thức ông đối diện với khó khăn của đất nước và cách thức ông đối diện với cái gọi là: trách nhiệm người đứng đầu.

Khi kinh tế “lao dốc” từ con rồng Châu Á xuống một nền kinh tế bị ám ảnh bởi nợ xấu và tư duy “hớt váng”, khi các bảng xếp hạng tụt dần là lúc những chính sách quyết liệt được ông Dũng đưa ra. Đau đớn nhất nhưng cũng dũng cảm nhất chính là việc từ bỏ mục tiêu tăng trưởng để kiềm chế lạm phát, là việc thừa nhận và cắt bỏ những “khối u” của kinh tế quốc doanh, của những Tập đoàn vốn là hình ảnh ngời sáng của chủ nghĩa xã hội. “Tôi nhận trách nhiệm về Vinashin”, câu nói của Thủ tướng trước Quốc hội đã thể hiện rõ sự can đảm và tinh thần trách nhiệm của ông - vị thủ tướng trẻ nhất Việt Nam từ sau 1975 tới nay và cũng là vị thủ tướng xuất thân là người lính, trưởng thành từ quân đội Việt Nam Anh hùng.

Thủ tướng đã quyết tâm, kiên định các con đường mà ông đã lựa chọn, không từ bỏ “chính sách cứng rắn, siết chặt tài khóa” để giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Ông tiếp tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tỷ giá; tiếp tục rà soát, điều hành lãi suất phù hợp với chiều hướng giảm của lạm phát mặc cho các “nhóm lợi ích” tài chính, bất động sản kêu gào hỗ trợ, ứng cứu. Và ông Dũng thực chất đã đúng.
 
Không chỉ xuất sắc trong điều hành chính sách kinh tế, những dấu ấn liên tiếp ông Dũng đạt được trên trường quốc tế, nhất là sau cuộc đối thoại Shangri-la, nơi ông xuất hiện với vai trò một chính trị gia có tầm ảnh hưởng nhất tại Châu Á. Ông có tiếng nói thuyết phục về vấn đề biển Đông với quan điểm cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế. Cũng bằng chính sách ngoại giao khôn khéo và tinh thần dân tộc sâu sắc, ông Dũng đã dùng câu chuyện biển Đông để khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc. Bằng chứng là tình hình chính trị Việt Nam hiện đang dần ổn định, không còn dấu hiệu chia rẽ về tư tưởng cũng như hành động. Nói một cách khác, ông Dũng đã giải quyết rất tốt bài toán “trong ấm, ngoài êm” trong bối cảnh Việt Nam cần có những quyết định lớn và dứt khoát để đối phó với những thử thách đối nội và đối ngoại, đồng thời nắm bắt thời cơ.

Với những dấu ấn ngoạn mục ông Dũng đạt được trong suốt thời gian qua cho thấy việc Việt Nam không dễ tìm được người thay thế giỏi hơn ông Dũng. Ông Dũng thực sự là vị thủ tướng Việt Nam cần phải có trong cuộc chuyển mình vươn ra thế giới.

H.San
Theo The Korea Herald