Triệu tấm lòng về với "quê chung"
(Dân trí) - Tưởng nhớ Người, triệu bước chân từ mọi miền Tổ quốc đã về với Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) - nơi 128 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời. Hình bóng Bác vẫn còn đâu đây dưới mái nhà tranh đơn sơ, mộc mạc như chính cuộc đời bình dị của Người.
Tháng Năm, Kim Liên xanh mướt bóng cây, thơm hương sen mộc mạc. Con đường dẫn vào Làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn) uốn lượn theo đồng lúa đang vào thời kì chắc hạt. Hàng cây xà cừ gần 60 năm tuổi xanh mướt, tỏa bóng mát rượi.
Hàng triệu bước chân đang về đây – về với nơi chôn nhau cắt rốn, về với quê hương tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bước chân kiêu hãnh của người dân một nước tự do và độc lập. Cảnh vật gần như không có gì thay đổi, vẫn mái nhà tranh đơn sơ khiêm nhường dưới bóng cây. Kim Liên – quê của muôn quê, bình dị và thân thuộc như bao làng quê Việt Nam khác. Nơi đây, Bác Hồ đã trải qua những năm tháng thơ ấu, nuôi dưỡng chí lớn.
Từ thủ đô kháng chiến Tân Trào (Tuyên Quang), ông Phạm Văn Vĩnh cùng người thân trong gia đình về thăm quê Bác. Khuôn mặt ai cũng thành kính, rưng rưng khi được các cô thuyết minh của Khu di tích giới thiệu về thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình.
“Tôi rất xúc động khi được thuyết minh viên giới thiệu về Bác Hồ và người thân trong gia đình Bác. Từ thời còn đi học tôi đã được biết đến quê hương Bác Hồ qua sách báo nhưng đến bây giờ mới được trải nghiệm thực tế. Thực sự là rất xúc động”, ông Vĩnh cho hay.
Lần đầu tiên những người phụ nữ dân tộc Thái ở huyện Như Thanh, Thanh Hóa về với quê hương Bác Hồ. Cảnh vật bình dị, thân thuộc xua tan cái bỡ ngỡ, rụt rè ban đầu, họ chăm chú nhìn ngắm mái nhà tranh vách nứa, những vật dụng thân thuộc, đôi mắt ai cũng ngấn lệ.
“Nhà Bác đơn sơ quá, đơn sơ như chính cuộc đời của Bác. Đợt này chỉ có mẹ và con dâu đi thôi nên về phải nói lại với các con, các cháu về quê hương Bác Hồ. Nhất định lần tới, mẹ sẽ bàn với các con các cháu dẫn toàn thể gia đình vào đây thăm quê Bác, để các con các cháu hiểu biết thêm về Bác Hồ, sống tốt hơn”, bà Lương Thị Oanh chia sẻ.
Đoàn lính trẻ Lữ 16 Pháo binh – Quân khu 4 (đóng quân ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) hàng ngũ chỉnh tề theo chân hướng dẫn viên lách qua liếp nứa vào trong căn bếp đơn sơ nhà Bác. Họ là những tân binh, đến từ nhiều địa phương khác nhau, có người lần đầu tiên được về thăm quê Bác.
Tân binh Nguyễn Văn Quang (quê Thừa Thiên Huế) nói: "Đến đây, được tận mắt chứng kiến mái nhà tranh nơi bác Hồ lớn lên, chúng em hiểu thêm về cuộc sống, nhân cách, tâm hồn của Bác. Được rèn luyện trên quê hương Nghệ An, chúng em quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa", hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với tình cảm, sự tin tưởng của Bác về lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam”.
“Mặc dù đã biết đến quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng về đến đây, đứng trên mảnh sân nhỏ trước căn nhà tranh vách nứa, tôi rất xúc động, thân thuộc như trở về chính quê hương của mình. Tôi cũng rất mừng trước sự đổi thay của Nam Đàn, đặc biệt là dịp này, quê hương Bác được công nhận là huyện nông thôn mới’, ông Huỳnh Minh Sang (Long An) tâm sự.
Tháng Năm, từ mọi nẻo đường Tổ quốc, hàng nghìn, hàng vạn người con theo dấu chân Người về với “quê chung”, thắp nén tâm nhang để tri ân một tấm lòng, một nhân cách lớn, soi lại mình để sống xứng đáng hơn.
Hoàng Lam