Thường vụ Quốc hội phê bình Bộ ngành "hỏi một đằng, trả lời một nẻo"

(Dân trí) - Thêm những ví dụ được Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội đưa ra để minh chứng cho nhận định, các Bộ, ngành mới chỉ trả lời kiến nghị cử tri kiểu “cho có”, chất lượng trả lời không cao. Bên cạnh chuyện cử tri hỏi chuyện huyện Kế Sách, Bộ Nông nghiệp trả lời việc ở huyện Trần Đề, Thanh tra Chính phủ cũng được nhắc tên khi câu hỏi về chế độ với cán bộ tiếp dân, câu trả lời lại về chi trả bồi dưỡng với cán bộ kiêm nhiệm…

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV được Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày trong phần khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng nay, 13/6.

Là cơ quan giám sát, Ban Dân nguyện cho biết, khối cơ quan Chính phủ, các Bộ, ngành là nơi tập trung nhiều kiến nghị nhất, với 3.119 kiến nghị (so với kỳ trước chỉ có 856 kiến nghị). Có 2.124 kiến nghị (chiếm 68%) đã được trả lời dưới hình thức cung cấp thông tin cho cử tri về các lĩnh vực như: nông nghiệp, giáo dục, văn hóa, giao thông, quản lý trật tự đô thị,… Có 529 kiến nghị (chiếm 17,3%) đã được giải quyết xong. Hiện còn 456 kiến nghị (chiếm 14,6%) đang được xem xét.

Trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải.
Trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải.

Những Bộ được điểm danh còn nợ trả lời kiến nghị cử tri là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (22 kiến nghị), Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (46 kiến nghị), Bộ Y tế (42 kiến nghị), Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch (32 kiến nghị), Bộ Tài nguyên – Môi trường (42 kiến nghị), Bộ Giáo dục – Đào tạo (22 kiến nghị)…

Trưởng Ban Dân nguyện khái quát, dù nhận được số lượng kiến nghị cử tri rất lớn nhưng Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã ngành đã rất tích cực chỉ đạo giải quyết, thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị lắng nghe. Kết quả là ngay trong khoảng thời gian 6 tháng giữa hai kỳ họp toàn bộ 3.119 kiến nghị được trả lời, 94 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; hàng nghìn cuộc thanh tra chuyên ngành đã được tổ chức qua đó phát hiện, xử lý nhiều vi phạm theo yêu cầu, kiến nghị của cử tri, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống người dân. Số kiến nghị được giải quyết dứt điểm, theo đó, cũng tăng gấp 3 lần so với kỳ trước…

Dù vậy, tồn tại, hạn chế được được chỉ ra là các bộ, ngành còn quá chú trọng tới việc trả lời các kiến nghị (để tránh tồn đọng) mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết, hoặc xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị, dẫn đến thực trạng số lượng kiến nghị được trả lời là rất lớn nhưng chất lượng của việc giải quyết kiến nghị còn chưa cao. Phần lớn (68%) các trả lời chỉ là cung cấp thông tin.

Cá biệt, Ban Dân nguyện chỉ rõ, có văn bản nội dung trả lời còn chưa rõ, chưa đúng, chưa đầy đủ với câu trả lời cử tri nêu.

Tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp thứ 3 này, một dẫn chứng được Trưởng Ban Dân nguyện đưa ra là cử tri Sóc Trăng kiến nghị sớm nghiên cứu xây dựng đê bao ngăn mặn khéo kín cho các tuyến đê tại huyện Kế Sách thì Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn lại trả lời về hệ thống đê biển, cửa sông thuộc huyện Trần Đề. Câu hỏi một đằng, câu trả lời một nẻo.

Tại báo cáo mới cập nhật, Trưởng Ban Dân nguyện dẫn thêm chuyện cử tri tỉnh Bình Dương hỏi về “việc chi trả chế độ bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách được giao nhiệm vụ tiếp công dân ở cấp xã”. Trả lời câu hỏi này, Thanh tra Chính phủ lại nêu về về chế độ chi trả bồi dưỡng đối với công chức kiêm nhiệm.

Câu trả lời như vậy là không đúng với đối tượng cử tri đang hỏi. Ban Dân nguyện cũng “phê” là việc giao nhiệm vụ tiếp công dân cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã là không đúng với Luật Tiếp công dân nhưng chưa được nhắc nhở.

Ví dụ khác, cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị xem xét khắc phục tình trạng bất cập là nhiều đơn vị thuộc UBND cấp huyện có con dấu và tài khoản riêng nhưng có những phòng cùng cấp lại không có. Trả lời, Bộ Nội vụ chỉ nêu, hiện đã có quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu và Bộ sẽ làm việc với các bộ liên quan trong thời gian tới.

Ban Dân nguyện cho rằng, trả lời như vậy là chưa rõ ràng và khó hiểu đối với cử tri, cử tri không biết tình trạng như đã nêu là đúng hay sai? Có được Bộ tiếp thu khắc phục không? Khi nào thì sẽ giải quyết?

Chủ tịch Quốc hội: Xác định rõ trách nhiệm người trả lời chất vấn

Khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở, người chất vấn cần đặt câu hỏi ngắn gọn rõ ý không nên đặt câu hỏi đề tìm hiểu thông tin hoặc kể tình hình.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu đặt câu hỏi không quá hai phút, để tăng cường đối thoại quyền tranh luận sẽ tiếp tục được sử dụng ở các phiên chất vấn. Với người được trả lời, Chủ tịch yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm và hướng khắc phục hạn chế để Quốc hội giám sát.

Chủ tịch cho biết, thời gian chất vấn tại kỳ họp này đã tăng từ 2,5 ngày lên 3 ngày. Tính đến ngày 12/6, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng như các vị trong diện được chất vấn đã nhận được 86 phiếu với 98 chất vấn của đại biểu.

Trước đó Tổng thư ký Quốc hội cũng đã tổng hợp được được 145 vấn đề từ các đoàn đại biểu, cùng với kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp, là cơ sở quan trọng để đưa ra vấn đề chất vấn.

Các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội kỳ này là Bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Văn hoá, Thế thao&Du lịch, Y tế, Kế hoạch - Đầu tư.

P.Thảo