Thủ tướng với những thông điệp đối ngoại thành công

Năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thực hiện nhiều chuyến công tác nước ngoài, mang theo thông điệp tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam.

Trong năm 2013, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã thực hiện nhiều chuyến công tác nước ngoài, mang theo những thông điệp tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ,rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa với phương châm: "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

 

Thủ tướng với những thông điệp đối ngoại thành công
Tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các nước cần cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng. Ảnh: VGP

 

Shangri-La và thông điệp lòng tin chiến lược

 

Sự kiện trước tiên gây được chú ý trong năm là việc Thủ tướng phát biểu dẫn đề khai mạc Đối thoại Shangri-La (còn gọi là Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á) lần thứ 12  tại Singapore, từ 31/5-1/6/2013.

 

Tại diễn đàn này, lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra thông điệp: Xây dựng lòng tin chiến lược.

 

Để xây dựng lòng tin chiến lược, Thủ tướng cho rằng, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương.

 

Nhân dịp này, Thủ tướng một lần nữa khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác. Việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.

 

Bài phát biểu của Thủ tướng đã được dư luận trong nước và nước ngoài tán đồng. Nhiều nước, nhiều tổ chức và giới học giả quốc tế đánh giá cao và cho rằng Việt Nam thể hiện rõ lập trường trong vấn đề hợp tác và giữ ổn định của khu vực.

 

Thủ tướng phát biểu trong Phiên thảo luận Cấp cao của Đại Hội đồng LHQ khóa 68. Ảnh: VGP
Thủ tướng phát biểu trong Phiên thảo luận Cấp cao của Đại Hội đồng LHQ khóa 68. Ảnh: VGP

 

Thông điệp nhân văn tại Liên Hợp Quốc

 

Vào tháng 9/2013, Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 68 tại Hoa Kỳ.

 

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng với tiêu đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” tại Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 68 diễn ra tại New York, Hoa Kỳ.

 

Một lần nữa, thông điệp về xây dựng “Lòng tin chiến lược” lại được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu lên ở tầm mức toàn cầu. Điều đó khẳng định tinh thần trách nhiệm của Việt Nam muốn góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới, đóng góp tích cực vào công việc chung của cộng đồng thế giới, với hai trụ cột chính là hòa bình và phát triển.

 

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tuyên bố với toàn thế giới về việc “Việt Nam đã sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ”. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng “Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” với cam kết “không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho riêng mình mà còn góp phần tích cực bảo đảm an ninh lương thực thế giới”.

 

Thủ tướng phát biểu trong Phiên thảo luận Cấp cao của Đại Hội đồng LHQ khóa 68. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jean-Marc Ayrault ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt -Pháp. Ảnh: VGP

 

Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Pháp

 

Dấu mốc nổi bật trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ 24-26/9) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là việc lãnh đạo hai nước ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt-Pháp lên đối tác chiến lược.

 

Phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ví quan hệ hai nước như “con tàu đang căng buồm lướt sóng” dù “trải qua nhiều bão tố, sóng gió”, con tàu ấy vẫn “không bao giờ chìm đắm" và sẽ đi tới “bến bờ của sự thành công”.

 

Bản Tuyên bố chung được Thủ tướng hai nước ký kết tại Paris chính là văn kiện khẳng định “con tàu quan hệ hai nước đã cập bến bờ của tình hữu nghị và sự hợp tác thành công”. Đây chính là hình mẫu cho sự hợp tác Đông-Tây, giữa Pháp, một quốc gia công nghiệp hàng đầu ở châu Âu và Việt Nam, một nước đang phát triển năng động ở Đông Nam Á”.

 

Trong chuyến thăm chính thức Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp, làm việc với nhiều nhà lãnh đạo và chính trị gia cao cấp của Pháp: Bộ trưởng Quốc phòng Le Drain, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent; đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu của Pháp… nhằm cụ thể hoá mối quan hệ hai nước nay đã bước sang một giai đoạn mới toàn diện hơn.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Liên bang Nga Medvedev. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Liên bang Nga Medvedev. Ảnh: VGP

 

Thúc đẩy giao thương với Liên minh Hải quan

 

Trong chuyến thăm Nga (12-15/5), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Liên bang Nga D. Medvedev; hội kiến Tổng thống Liên bang Nga V. Putin; hội kiến Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergei Naryshkin và lãnh đạo một số địa phương của Nga.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng D. Medvedev khẳng định việc ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Kazakhstan và Belarus) sẽ là bước đột phá nhằm thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020 mà lãnh đạo hai nước đề ra.

 

Trong thời gian thăm chính thức Belarus, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng M. Myasnikovich, gặp Chủ tịch Hạ viện V. Andreitrenko và Phó Chủ tịch Thượng viện A. Rusetsk, hội kiến với Tổng thống A. Lukashenko.

 

Trong các cuộc tiếp xúc, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp nhằm tăng cường tin cậy chính trị, tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ song phương với trọng tâm là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng điện, Kế hoạch triển khai Thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng giai đoạn 2013-2015.

 

Thủ tướng dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 23. Ảnh: VGP
Thủ tướng dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 23. Ảnh: VGP

 

Tăng cường kết nối và xây dựng Cộng đồng ASEAN

 

Sự kiện quốc tế quan trọng khác có sự hiện diện của Việt Nam năm qua là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 và 23 diễn ra từ 24-25/4 và từ ngày 8-10/10 tại Banda Seri Begawan, thủ đô của Brunei.

 

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu đậm những vấn đề thuộc nội dung ưu tiên chung của ASEAN, như ý nghĩa việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN vào 2015 trên cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội; tăng cường quan hệ với các đối tác; xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, thịnh vượng và hướng tới người dân, ngày càng phát huy vai trò và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.

 

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 diễn ra vào tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh những nhiệm vụ ưu tiên, quan điểm, định hướng liên quan đến 3 nội dung lớn là: Xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và định hướng Cộng đồng ASEAN giai đoạn sau năm 2015; vai trò trung tâm và quan hệ đối ngoại của ASEAN; về các vấn đề quốc tế và khu vực.

 

Thủ tướng cũng đề nghị ASEAN cần triển khai hiệu quả các cam kết và thỏa thuận đã có liên quan đến Biển Đông, trong đó có Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố Cấp cao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC; giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tăng cường xây dựng lòng tin và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

 

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị WEF Đông Á 2013. Ảnh VGP
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị WEF Đông Á 2013. Ảnh VGP

 

Nỗ lực hình thành hành lang kinh tế xuyên quốc gia

 

Ngày 6/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về Đông Á tại Myanmar.

 

Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho rằng việc Hội nghị lần này đặt trọng tâm vào hội nhập khu vực và chuyển đổi là một lựa chọn “phù hợp và rất đúng thời điểm”. Một cấu phần không thể thiếu trong tiến trình này, theo Thủ tướng, là nỗ lực tăng cường kết nối và liên kết kinh tế giữa các nước lục địa ASEAN hay khu vực Mekong, trong đó có việc “hình thành các hành lang kinh tế xuyên quốc gia”.

 

Các tuyến hành lang này cũng sẽ là cầu nối gắn kết giữa khu vực Nam Á, Trung Á với Đông Á, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là yếu tố quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào có tham vọng mở rộng thị trường không thể bỏ qua.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương dọc tuyến hành lang vì lợi ích của doanh nghiệp, của cộng đồng và của cả khu vực. Đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đối thoại cùng doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện và tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bảo đảm lợi ích của tất cả các bên.

 

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản

 

Sự kiện đối ngoại quan trọng khép lại năm 2013 là chuyến thăm chính thức Nhật Bản; dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản và Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 12-15/12.

 

Tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hợp tác Mekong-Nhật Bản và đánh giá cao kết quả đã đạt được trong triển khai Chiến lược Tokyo.

 

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe.

 

Sau hội đàm, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết công hàm trao đổi cho 3 dự án thuộc đợt 1 tài khóa 2013, tổng giá trị hơn 550 triệu USD, gồm xây dựng Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim, xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long thuộc vành đai 3 Hà Nội. Như vậy, từ đầu năm tài khóa 2013 (1/4/2013 đến 31/3/2014) đến nay, Nhật Bản đã cam kết dành cho Việt Nam 1,55 tỷ USD vốn ODA.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: VGP

 

Năm 2013 đã qua với nhiều khó khăn, thách thức mà thế giới phải đương đầu trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh ấy, nhân dân ta đã nỗ lực vươn lên không ngừng để vừa xây đắp vững chắc lòng tin của bạn bè quốc tế vừa tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Những thông điệp của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, trong các cuộc tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục là minh chứng cho mục tiêu phấn đấu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta: Giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

 

Theo Nguyễn Hoàng

Chinhphu.vn