Thủ tướng: "Việt Nam phấn đấu lọt tốp 15 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới"
(Dân trí) - "Ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phấn đấu 10 năm nữa Việt Nam phải lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải nằm ở nhóm 10 nước của thế giới. Việt Nam phải phấn đấu là trung tâm chế biến xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới,..." - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.
Sáng nay (3/1), tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018 chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt kỷ lục trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Ngành nông nghiệp đã thể hiện là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, trở thành một động lực tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 3,76%, được xem là cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
"Việt Nam khẳng định vị thế là cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất khẩu sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ). Năm 2018, có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng hơn 12% so với 2017" - Bộ trưởng Cường cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Cường, bên cạnh tổng kết những mặt được và chưa được, Bộ NN&PTNT sẽ quán triệt các giải pháp, đề ra chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ với tinh thần “tăng tốc, bứt phá”, để năm 2019 đạt kết quả cao hơn năm 2018. Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD. Tăng trưởng GDP của ngành đạt trên 3%.
"Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng khi mà còn nhiều tồn tại, bất cập cần khắc phục như quy mô hộ sản xuất nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn; liên kết giữa vùng nguyên liệu của nông dân với doanh nghiệp, với hợp tác xã còn ít, thiếu chặt chẽ; chất lượng tăng trưởng chưa cao; thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro…" - Bộ trưởng Cường nói thêm.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo. Thủ tướng cho biết, với ý chí quyết tâm của toàn ngành nông nghiệp, của cả hệ thống chính trị, cùng với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, năm 2018 nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều "điểm sáng", có những bứt phá, đạt thành tích toàn diện, đời sống người dân các vùng miền đều nâng lên, được cải thiện.
"Thị trường đã được chúng ta tổ chức rất quyết liệt, đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó mở cửa được nhiều thị trường chính ngạch và mở cửa được thị trường mới cho nông sản mà đòi hỏi chất lượng khắt khe như Mỹ, Úc, Nhật,…Sản phẩm lúa gạo của chúng ta đã tăng cả về chất lượng và số lượng nên đã vào được những thị trường khó tính. Về tiêu thụ trong nước, chúng ta đã chủ động xây dựng được chuỗi cung ứng an toàn nên chúng ta phải phục vụ được sản phẩm nông nghiệp sạch cho gần 100 triệu dân trong nước, đây là điều đáng mừng, sức khỏe người dân được bảo vệ" - Thủ tướng nói.
Một nội dung được Thủ tướng đánh giá cao đó là công tác phòng, chống thiên tai được cải thiện trên trên tinh thần “4 tại chỗ”, xử lý nhanh từ khâu dự báo, thông tin và đôn đốc, chỉ đạo kịp thời; Nêu cao tinh thần trách nhiệm với người dân, chính vì thế thiệt hại do thiên tai năm 2018 đã giảm về tài sản, người.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế mà ngành nông nghiệp cần sớm phải khắc phục như: Tỷ lệ lao động nông thôn còn lớn, chiếm 38%. Ngành nông nghiệp cần tái cơ cấu, áp dụng nhiều khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm số lượng lao động nông thôn nhưng năng suất vẫn cao. Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết còn chưa phổ biến; kinh tế hộ nhỏ lẻ còn cao; nhiều nơi vẫn còn tình trạng "con trâu đi trước, cái cày đi sau".
"Ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhất là phổ cập giống mới, cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế. Công tác dự báo cung cầu thị trường có tiến bộ nhưng vẫn là vấn đề lớn đặt ra cho cả hệ thống, vẫn xảy ra tình trạng được mùa rớt giá. Không có dự báo thị trường tốt sẽ khó phát triển,..."- Thủ tướng nhấn mạnh.
Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị, ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phấn đấu 10 năm nữa Việt Nam phải lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất; riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải nằm ở nhóm 10 nước phát triển của thế giới. Việt Nam phải phấn đấu là trung tâm chế biến xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới, nơi sản xuất tôm lớn của thế giới,...
Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành nông nghiệp trong năm 2019 phải đạt tỷ trọng xuất khẩu từ 42-43 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, toàn ngành nông nghiệp, các địa phương phải tìm tòi các giải pháp, nếu không đạt được mục tiêu này đồng nghĩa đời sống nhân dân còn khó khăn.
Một nội dung nữa mà Thủ tướng đặt ra cho ngành nông nghiệp tại Hội nghị đó là phải có thể chế chính sách pháp luật tốt, xóa bỏ những thể chế pháp luật lạc hậu, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, từ đó mới thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa trong nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất hiện đại, nhưng tránh dàn trải phải có những mặt hàng chủ lực cấp trung ương và địa phương; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, không để nông nghiệp đứng ngoài cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0; Tiếp tục xây dựng mục tiêu xây dựng nông thôn mới, môi trường sống, đời sống văn hóa-vật chất của người dân phải được nâng cao.
"Năm nay dự báo có hiện tượng El Nino, nên chúng ta phải theo dõi sát sao thời tiết, không để bất ngờ khi đối phó với thiên tai. Ngoài ra, chúng ta phải tập trung phát triển bền vững khu vực đồng bằng Sông Cửu Long" - Thủ tướng đề nghị.
Nguyễn Dương