Thủ tướng và lời cầu chúc cho hòa bình, phát triển
Tuyên ngôn của một Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu để trở thành đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế hoàn toàn trùng khớp với chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc.
Chiều 27/9 (giờ địa phương) tức là sáng 28/9 (giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát đi một thông điệp vừa mang tính trách nhiệm cao, vừa thấm đượm tính nhân văn tại Đại Hội đồng LHQ khóa 68 với tựa đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo”. Nhiều đại diện các tổ chức của LHQ đã chúc mừng sau khi Thủ tướng Việt Nam kết thúc bài phát biểu tại Phiên thảo luận của Đại Hội đồng về “Chương trình nghị sự vì phát triển sau 2015”.
Thật là “đồng thanh tương ứng!”.
Trình bày trong phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai các “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ”, nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng “lòng tin chiến lược” góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới, thể hiện Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực và có hiệu quả vào công việc chung của Liên Hợp Quốc.
Những kinh nghiệm của Việt Nam đã góp phần xây dựng chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, mà nội dung chính là kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện các “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” và khởi động tiến trình xây dựng “Chương trình nghị sự phát triển của LHQ sau năm 2015”.
Kinh tế trong bang giao song phương
Trưa 27/9, cũng theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Diễn đàn Đầu tư Việt-Mỹ.
Sau khi có bài phát biểu quan trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc đối thoại trực tiếp với hơn 50 doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực của Hoa Kỳ.
Tại buổi đối thoại, đồng chủ tịch một công ty tài chính cho hay, đầu năm nay, quỹ của ông đã đầu tư vào dự án liên danh với Vingroup để hoàn thành dự án Royal City, nhưng vị chủ tịch này băn khoăn: “Tuy nhiên, đến nay thị trường bất động sản rất ảm đạm. Chính phủ Việt Nam làm gì để kích cầu bất động sản?”
Đối với thương vụ đầu tư đầu tiên này của nước ngoài vào đầu tư tư nhân ở Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời: “Chúng tôi đưa ra hàng loạt giải pháp làm ấm dần và phục hồi dần thị trường bất động sản như qui hoạch, phân khúc lại thị trường, mở rộng tín dụng cho người mua, mở rộng cho nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư. Những giải pháp này đã được thực hiện ở nhiều nước như Nhật, Mỹ, nhưng gắn kết với các giải pháp đặc thù của Việt Nam. Tôi tin rằng thời gian không xa thị trường sẽ ấm lên và 200 triệu đầu tư của ngài vào Việt Nam sẽ thành công”.
Cũng tại diễn đàn nói trên, ông Alex, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Việt Nam đã đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đồng thời bày tỏ mong muốn Việt Nam tạo nhiều cơ hội hơn nữa về hạ tầng cơ sở cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ.
Ông Alex phát biểu: “Các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn và ủng hộ mạnh mẽ để Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại tự do của các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TPP) để đem lại lợi ích cho hai bên. Các doanh nhân Hoa Kỳ cũng rất háo hức kinh doanh ở Việt Nam một khi TPP hoàn thành”.
Trước đó, khi vừa đặt chân tới Washington DC, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm ba cơ quan trọng yếu của Hoa Kỳ và quốc tế, đó là Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Bộ Thương mại Mỹ. Đoàn đã có những nội dung làm việc rất cụ thể cùng với đề nghị rất thời sự về việc triển khai các quan hệ hợp tác Việt-Mỹ trong tình hình mới.
Chuyến công du của Thủ tướng chỉ cách chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch nước đến Hoa Kỳ cách đây hai tháng. Chuyến thăm và các thỏa thuận lần đó vốn được coi là một bước ngoặt trong quan hệ Việt-Mỹ, vì cả hai vị nguyên thủ đã tuyên bố nâng cấp bang giao song phương lên “quan hệ đối tác toàn diện” với 9 lĩnh vực ưu tiên, từ chính trị-an ninh đến hợp tác quốc phòng.
Trong tinh thần “đối tác toàn diện”, Thủ tướng đã rất thẳng thắn khi kêu gọi Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Thủ tướng đề nghị như vậy với Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker và Đại diện Thương mại Miachael Froman. Thủ tướng cũng đề nghị Hoa Kỳ chấm dứt điều tra 12 vụ tranh chấp thương mại, trong đó có 4 vụ điều tra về trợ cấp và chống bán phá giá, nhất là đối với mặt hàng tôm và cá tra.
Để phát triển, cần hòa bình ở Biển Đông
Trở lại với Diễn đàn LHQ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ: “Vẫn còn đó bạo lực ở Trung Đông, Bắc Phi, gần đây nhất là ở Syria, nơi chúng ta cần mạnh mẽ lên án việc sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời dành cho hòa bình mọi cơ hội, tìm mọi giải pháp hòa bình để loại bỏ vũ khí hóa học trên cơ sở luật pháp quốc tế và các Nghị quyết của LHQ. Vẫn còn đó mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên”.
Nhưng có lẽ thiết thân nhất đối với Việt Nam và các nước Đông Nam Á vẫn là hòa bình trên Biển Đông. Thủ tướng nhấn mạnh: “Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn chưa lặng sóng vì những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ... Chỉ cần một hành vi thiếu trách nhiệm sẽ có thể dẫn tới xung đột, thậm chí dẫn tới chiến tranh... Việt Nam trước sau như một nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; bảo vệ lợi ích chính đáng của mình đồng thời vì lợi ích chung, phù hợp với luật pháp quốc tế, công ước luật biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), các thỏa thuận khu vực và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)”.
Quan điểm nói trên của Việt Nam hoàn toàn tương thích với lập trường của Hoa Kỳ và cộng đồng ASEAN.
Trong cuộc họp với các Ngoại trưởng ASEAN ở New York mới đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nhanh nhất có thể. “Khu vực Biển Đông quy tụ các cảng biển đông đúc, nhộn nhịp nhất thế giới cũng như các tuyến đường biển quan trọng nhất. Vì vậy, sự ổn định khu vực liên quan chặt chẽ đến sự thịnh vượng chung của cả chúng tôi”.
Ngoại trưởng Kerry phát biểu tiếp: “Đây là một trong những lý do tại sao Mỹ cam kết giữ gìn an ninh hàng hải, tự do hàng hải trên các vùng biển trong khu vực cho tới việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và đạt được bộ quy tắc ứng xử giữa các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ. Theo đó, những việc này phải được giải quyết trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”. Ông Kerry kêu gọi các thành viên ASEAN cần "nhanh chóng đạt được sự đồng thuận về một bộ quy tắc ứng xử để giải quyết tranh chấp mà không phải bằng đe dọa, ép buộc hay sử dụng vũ lực".
Tuyên bố nói trên có ý nghĩa quan trọng vì đầu tháng 9 này, Bắc Kinh đã cảnh cáo Mỹ không được ủng hộ những tuyên bố về chủ quyền của các nước láng giềng của Trung Quốc liên quan đến tranh chấp biển đảo ở Biển Đông và Hoa Đông. Bắc Kinh đồng thời yêu cầu Mỹ đứng ngoài tranh chấp. Về phần mình, Washington nhiều lần tuyên bố không đứng về phía nào trong tranh chấp, nhưng liên tục quan tâm và thúc đẩy các đối tác châu Á thông qua bộ Quy tắc COC để đảm bảo an ninh và tự do trên một hải lộ được cho là đông đúc nhất thế giới.
Tiếp bước mạnh mẽ trên con đường “đổi mới, hội nhập và phát triển” với truyền thống của tiền nhân “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”! Có thể đấy là minh triết, là sự lựa chọn tối ưu của Việt Nam trong một kỷ nguyên sau mấy chục năm “với chiến tranh và phân ly, với máu lửa và nước mắt” như phát biểu của Thủ tướng.
Với tâm thế mới và với những cam kết rõ ràng của chính phủ phủ Việt Nam trước LHQ, hãy vượt qua mọi trở lực để nâng cấp, củng cố và đẩy mạnh hơn nữa các quan hệ “đối tác chiến lược” với 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ như chính lời tuyên bố của Thủ tướng vào Hè 2013 tại Diễn đàn Shangri-La.
Theo Hoàng Dũng Nhân