Thủ tướng: "Người tự trọng không đi xin bằng khen!"

(Dân trí) - “Việc lãnh đạo được khen thưởng nhiều quá không nên, làm nảy sinh suy nghĩ có huân huy chương thì việc thăng tiến, bổ nhiệm dễ hơn. Còn người tốt thường có lòng tự trọng nên sẽ không đi xin bằng khen, chúng ta phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017 diễn ra sáng nay, 23/2. Thủ tướng chính là Chủ tịch Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Thi đua, khen thưởng Trần Thị Hà, người vừa ký văn bản đốc thúc Bộ Công Thương làm thủ tục thu hồi những bằng khen, huân chương đã trình xin tặng thưởng cho Trịnh Xuân Thanh nói thêm về vấn đề “sửa sai” khi khen nhầm người.

Trước hết, nữ Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc thẩm định với các hồ sơ xin xét tặng các giải thưởng, danh hiệu cá nhân không đơn giản. Trung bình mỗi năm Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương phải thẩm định khoảng 100.000 hồ sơ, trường hợp, những năm có các lễ kỷ niệm lớn, chẵn tròn thì số lượng phải tới 150.000-200.000 hồ sơ.

Các hình thức khen thưởng của Thủ tướng mỗi năm trung bình có 11.000 quyết định, của Chủ tịch nước cũng khoảng 10.000.

Thủ tướng: Việc lãnh đạo được khen thưởng quá nhiều là không nên vì dễ dùng huân huy chương để việc thăng tiến, bổ nhiệm dễ hơn (ảnh: VGP).
Thủ tướng: Việc lãnh đạo được khen thưởng quá nhiều là không nên vì dễ dùng huân huy chương để việc thăng tiến, bổ nhiệm dễ hơn (ảnh: VGP).

“Vậy nên, bên cạnh việc khen thưởng theo niên hạn hàng năm, làm sao để phát hiện đúng các gương điển hình, khen đúng người đúng thành tích là đòi hỏi không dễ thực hiện và trong thực tế không tránh khỏi những trường hợp khai man, khai không đúng thành tích khi làm hồ sơ trình xin khen thưởng. Theo đó, Thủ trưởng đơn vị trình phải chịu trách nhiệm trước hết về những hồ sơ trình lên” – Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương giải thích.

Trường hợp phát hiện những sai phạm, gian dối trong quá trình lập hồ sơ để xin xét tặng thưởng thì cơ quan chức năng sẽ thu hồi các danh hiệu đã được khen thưởng, bà Hà nhấn mạnh, thu hồi cả hiện vật và tiền thưởng. “Tất nhiên, Ban Thi đua, khen thưởng phải cố gắng sao tỷ lệ này rất thấp, càng ít càng tốt” – bà Hà nhấn mạnh.

Một chỗ khó khác được Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng chỉ ra là việc khen thưởng ở Việt Nam hiện xét theo giai đoạn chứ không phải theo tiến trình phát triển, đảm bảo độ ổn định, bền vững, lâu dài nên có hiện tượng ở một số đơn vị, trước khi được xét tặng các danh hiệu thì hoạt động rất tốt nhưng sau khi đạt được mốc đó rồi thì không tiếp tục duy trì được thành tích, lan tỏa hiệu quả, gây tiếng xấu.

Trao đổi thêm về lĩnh vực tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp mà như Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng khuyến cáo là cần thận trọng, mức độ “rủi ro” cao, bà Hà dẫn thực tế, ngoài các loại khen thưởng của nhà nước còn có những hình thức vinh danh khác như các giải thưởng. Lĩnh vực này càng khó xác minh, thẩm tra, quản lý.

Thời gian trước, cả nước mỗi năm có hơn 100 giải thưởng được tổ chức, nay thu lại còn trên 20 giải nhưng nhiều giải vẫn là “tổ chức chui” mà sự công nhận lại được hiểu là rộng rãi trong xã hội.

“Đề nghị với những giải thưởng không được Thủ tướng cho phép thì đơn vị tổ chức không được thực hiện truyền hình trực tiếp, tránh tình trạng “thưởng chui”. Làm sao để việc quản lý các giải thưởng dù không phải là hình thức khen thưởng nhà nước để hoạt động tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân chặt chẽ hơn” – Thứ trưởng Nội vụ nêu quan điểm.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các thành viên trong Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương phải chú tâm từ những việc rất nhỏ nhưng lại thành chuyện rất lớn trong thời gian qua mà người dân phản ứng là các loại bằng khen, huân chương khen thưởng cần chống lãng phí, gian lận.

Bên cạnh đó, các cơ quan cần tuyên truyền chưa đúng mức, kịp thời, sinh động và thường xuyên về tấm gương tốt, việc tốt làm cho những hình ảnh xấu lấn át. Vì thế, cần có tính thời sự, phát hiện kịp thời nhân tố mới, khen thưởng kịp thời chứ “xuân thu nhị kỳ” sẽ khó thành công, hình thức danh hiệu phải phù hợp.

“Nếu không đổi mới tốt, không lo làm ăn, không có người tốt, việc tốt thì đất nước sẽ không thành công, không có nhân dân ủng hộ thì đất nước sẽ không thành công. Khen thưởng phải nhắm vào những nhân tố như vậy thì mới trúng, mới công bằng và tính lan toả rộng”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Dẫn chứng ngay sự việc diễn ra ở trường THCS Trần Quốc Toản (TP.Hạ Long, Quảng Ninh), hàng trăm thầy cô giáo xếp hàng chờ hiến máu để cứu một học sinh lớp 6 có nhóm máu hiếm chẳng may gặp nạn, Thủ tướng nhấn mạnh, đó là một hành động rất đáng tuyên dương, động viên, khích lệ kịp thời để lan tỏa những hành động đẹp, giàu tính nhân văn như vậy. Thủ tướng đã kịp thời gửi thư khen, biểu dương các thầy cô này.

Theo người đứng đầu Chính phủ, thực tế, thời gian qua, bộ máy điều hành hoạt động thi đua, khen thưởng chưa làm được nhiều việc cụ thể như vậy trong khi nhiều ý kiến đánh giá khái quát còn cho rằng, “phát động phong trào thi đua là phát nhưng chưa lay động, khen thưởng thì thưởng còn hình thức, khen lại khen lãnh đạo quá nhiều”.

“Lãnh đạo được khen thưởng nhiều quá cũng không nên. Việc đó có thể dẫn đến hiện tượng xuất phát từ việc có huân huy chương thì thăng tiến, bổ nhiệm dễ hơn. Thi đua khen thưởng phải dành cái gì đó thật ý nghĩa đối với người dân vùng sâu xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Người tốt thường có lòng tự trọng nên không đi xin bằng khen. Chúng ta phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời, các cơ quan chuyên môn phải làm việc này”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng trao đổi thêm cùng các thành viên Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương bên hành lang hội nghị.
Thủ tướng trao đổi thêm cùng các thành viên Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương bên hành lang hội nghị.

Cập nhật rất nhiều thông tin thời sự liên quan đến lĩnh vực thi đua, khen thưởng, Thủ tướng đề cập cả việc các Giải thưởng Nhà nước vừa qua gây nhiều xôn xao.

Thủ tướng băn khoăn, việc thiếu tên nhà thơ Xuân Quỳnh, Thu Bồn… trong đợt vinh danh lần này là do thủ tục, hay do chủ quan? Đây là câu hỏi lớn về cách làm của cán bộ thi đua khen thưởng.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng cho rằng năm nay tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại sẽ có nhiều khó khăn thì càng phải thi đua, phải tạo phong trào thi đua yêu nước mạnh để vượt quá khó khăn và phát triển đất nước.

Các phong trào thi đua phải gắn với các vấn đề cụ thể của địa phương, ngành, đặc biệt phải đối mới cách lựa chọn, sáng tạo hơn trong trong tìm kiếm, tuyên dương các tấm gương, con người có đóng góp lớn cho xã hội, đất nước. Phải minh bạch, công khai trong xét chọn, tuyên dương. Khuyến khích khởi nghiệp ở lớp trẻ, thanh niên nông thôn, chú trọng tôn vinh những tiến bộ, văn minh, chăm lo người nghèo, phòng chống thiên tai…

P.Thảo