Thủ tướng bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông tại Hội nghị Mekong - Nhật Bản

(Dân trí) - Sáng nay (9/10), tại Tokyo - Nhật Bản, trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên án mọi hành động bắt cóc công dân giữa các quốc gia. Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay.

Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Nhật Bản có sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Vương quốcThái Lan Prayuth Chan-ocha và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Các nhà lãnh đạo đã quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản lên quan hệ đối tác chiến lược. Theo đó, phương hướng hợp tác trong thời gian tới sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính: Kết nối sống động và hiệu quả; xã hội lấy người dân làm trung tâm; hiện thực hóa một Mekong xanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản (ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản (ảnh: TTXVN)

Tại đây, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và Bán đảo Triều Tiên. Lãnh đạo các nước tái khẳng định cam kết chung duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Chiến lược Tokyo 2018 cho hợp tác giai đoạn 2019-2021.

Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu quan điểm với vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận một số tiến triển tích cực trong trao đổi thương lượng nhưng bày tỏ quan ngại về thực tế còn diễn biến phức tạp ở Biển Đông.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tính cấp thiết của việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, kêu gọi tuân thủ Công ước luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC có hiệu lực và hiệu quả.

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh kết quả tích cực của các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều và Hàn-Triều, ủng hộ phi hạt nhân hóa toàn bộ Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình và tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo cấp cao các nước Mekong tại Hội nghị Mekong - Nhật Bản (ảnh: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo cấp cao các nước Mekong tại Hội nghị Mekong - Nhật Bản (ảnh: VGP)

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng Nhật Bản và cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề nhân đạo, trong đó có bắt cóc con tin, lên án mọi hành động bắt cóc công dân giữa các quốc gia.

Đề cập về phương hướng hợp tác Mekong - Nhật Bản trong giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu lên 5 ưu tiên. Thủ tướng Chính phủ cũng đề xuất nghiên cứu và xây dựng Mạng lưới sáng tạo Mekong - Nhật Bản nhằm tăng cường liên kết, trao đổi giữa các trung tâm nghiên cứu, phát minh sáng chế, trung tâm khởi nghiệp của Nhật Bản và các nước Mekong. Các đề xuất của Thủ tướng đã được Hội nghị đánh giá cao và phản ánh trong các văn kiện của Hội nghị.

Châu Như Quỳnh