Thi tuyển chọn người để Thủ tướng bổ nhiệm Trưởng đặc khu?

(Dân trí) - Thảo luận về Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt (đặc khu) chiều 10/11, đa số đại biểu Quốc hội đồng ý phương án trao quyền mạnh cho Trưởng Đặc khu để tạo ra đột phá, bởi tổ chức theo mô hình có cả HĐND, UBND thì “lai căng”, “vừa mới vừa cũ” và không khác gì cấp huyện hiện nay.

Đặc khu không casino không có gì đặc biệt!

Phát biểu tại tổ ngày 10/11, ông Lê Vĩnh Tân – Bộ trưởng Bộ Nội vụ (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt phải khác so với các quy định nhưng trên cơ sở không được trái với Hiến pháp. Cụ thể, về cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan soạn thảo luật trình 2 phương án, nhưng ưu tiên phương án không tổ chức HĐND và UBND ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Theo ông Lê Vĩnh Tân, trong thiết kế bộ máy, Trưởng đặc khu được giao rất nhiều quyền hạn, nhiệm vụ, trong đó đại diện tới 4 cấp gồm Chính phủ, các Bộ ngành và của HĐND, UBND cấp huyện, xã.

“Nếu chúng ta không có chế tài giám sát, kiểm soát rất dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền của Trưởng đặc khu”, ông Lê Vĩnh Tân nói và đề nghị các đại biểu cho ý kiến để giám sát được quyền hạn của trưởng đặc khu.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại tổ thảo luận (ảnh: Quang Phong)
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại tổ thảo luận (ảnh: Quang Phong)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cũng cần phải có những chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút các nhà đầu tư. Dựa theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Tân nhận thấy cả 3 đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) đều tập trung vào cung ứng dịch vụ, thương mại, trong đó có casino.

“Nếu không có casino mà đầu tư loại hình kinh doanh khác thì không có gì đặc biệt. Các đặc khu nên tranh thủ loại hình này”, ông Lê Vĩnh Tân nói và cho rằng, trong dự luật cần một số quy định cụ thể như việc người Việt có được vào khu casino hay không và kinh doanh casino thế nào cho phù hợp.

Ủng hộ mô hình Trưởng đặc khu, nhưng đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên) băn khoăn về việc trao quyền rất lớn cho vị này, từ thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh... nhưng cơ chế giám sát rất mờ nhạt. Ông nói: “Tạo cho Trưởng đặc khu quyền chủ động, nếu chủ động mà toàn tâm toàn ý thì tốt, nhưng có thiên ý cá nhân mà không kiểm soát thì rất khó. Đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục nghiên cứu”.

Đáng chú ý hơn, đại biểu Quý nêu quan điểm về việc lựa chọn Trưởng đặc khu theo cách tiếp cận hoàn toàn khác dự thảo luật – vốn đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh sẽ đề nghị, Bộ Nội vụ thẩm định và Thủ tướng bổ nhiệm.

Đại biểu phân tích, vì 3 đặc khu không phải chỉ của 3 tỉnh, mà là mô hình thử nghiệm của cả nước, nên người được chọn, được bổ nhiệm không chỉ bó hẹp là người của tỉnh đó. Không thể Chủ tịch UBND tỉnh lựa chọn cán bộ của tỉnh mình để lựa chọn Trưởng đặc khu, sẽ không thu hút được người tài đảm nhận công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp này. Đề nghị người bổ nhiệm vẫn là Thủ tướng, nhưng hình thức là thi tuyển để rất nhiều chuyên gia, lãnh đạo các cục, vụ, viện ở các Bộ - những người vừa có kiến thức chuyên môn, vừa có kinh nghiệm quản lý, chứ chỉ có Chủ tịch huyện lên làm Trưởng Đặc khu – vị trí có quyền năng rất lớn, thì khó đảm bảo.

Không lo nước ngoài “cài cắm”

Đại biểu Đỗ Tiến Sỹ (Hưng Yên) lại lập luận, đặc khu mới với Việt Nam, nhưng không mới với thế giới. Muốn quyết đoán mạnh mẽ thì nên giao quyền cho Trưởng Đặc khu. “Tôi nhất trí phương án 1 – tổ chức thiết chế Trưởng đặc khu, chứ phương án 2 – tổ chức một cấp chính quyền đầy đủ với cả HĐND, UBND thì lai căng, vừa cũ vừa mới, bìu ríu mãi, lại xin ý kiến thì mất đi cơ hội. Quan trọng là chọn người”.

Đại biểu cũng cho rằng nếu không thông qua dự án luật trong thời gian tới thì đất nước mất cơ hội phát triển, bởi khi “ta loay hoay bàn thì thế giới đã làm rất lâu rồi, bứt phá rồi”.

“Tất nhiên, cũng có lo lắng có bàn tay nước ngoài nhúng vào, nhưng theo tôi vấn đề là cách quản lý thôi. Khi ta mới phát triển kinh tế những năm 1991-1992, các cụm công nghiệp bám dọc Quốc lộ 5 cũ, cũng có ý kiến lo ngại việc “cài cắm” thế lực vào rồi trong đánh ra, ngoài đánh vào, chặn Quốc lộ 5 - cửa ngõ vào Hà Nội. Tuy nhiên, chuyện đó không xảy ra. Chúng ta có lòng tin vào lực lượng quân đội, an ninh và đặc biệt đã có kinh nghiệm 30 năm đổi mới”, đại biểu nói.

Dù vẫn còn quan ngại về việc hiểu Hiến pháp thế nào, “trong thâm tâm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu “cũng vẫn muốn có một bộ máy rất tinh gọn, mạnh mẽ, được trao quyền lực và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát”.

Ông Lưu phân tích: “Đúng là chúng ta phải chấp nhận tư duy đổi mới, đột phá thì phải có sự khác biệt. Nhưng tôi vẫn băn khoăn về cách hiểu Hiến pháp cho đúng, và Ủy ban Pháp luật cũng băn hoăn chỗ này. Tôi nghĩ cứ để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận và phát phiếu thăm dò để quyết một mô hình, nhưng dù mô hình nào cũng phải đảm bảo quyền lực, làm rõ thẩm quyền, làm rõ chế độ trách nhiệm”.

Q.Phong – P.Thảo