“Tham nhũng vặt”, trộm cướp táo tợn khiến nhân dân bất an

(Dân trí) - Cử tri và nhân dân bức xúc về nạn “tham nhũng vặt”, nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn phải chi những khoản ngoài quy định; lo ngại tình hình tội phạm trên một số địa bàn vẫn diễn biến phức tạp: trộm, cướp ngày càng nguy hiểm, táo tợn (như cướp ngân hàng, cướp tiệm vàng); một số vụ án giết nhiều người gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày báo cáo cáo trước Quốc hội sáng 22/10.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày báo cáo cáo trước Quốc hội sáng 22/10.

Trình bày báo cáo tổng hợp, kiến nghị của cử tri tại phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV sáng 22/10, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết cử tri và nhân dân rất quan tâm và hoan nghênh việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên việc sắp xếp lại bộ máy ở một số nơi vẫn còn thiếu đồng bộ; việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Một số nơi còn sai phạm trong bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Chính vì thế, cử tri đề nghị các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí người thực sự có đức, có tài vào các vị trí lãnh đạo trong bộ máy.

“Cử tri và nhân dân còn bức xúc về nạn “tham nhũng vặt”, nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn phải chi những khoản ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính và chưa hài lòng khi những biểu hiện tiêu cực này chủ yếu được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí mà rất ít được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức”- ông Mẫn cho hay.

Báo cáo chỉ rõ, thời gian qua, các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, thực hiện điều tra nhanh, truy bắt kịp thời, xử lý nhiều đối tượng phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân rất lo ngại về tình hình tội phạm trên một số địa bàn vẫn diễn biến phức tạp: trộm, cướp ngày càng nguy hiểm, táo tợn (như cướp ngân hàng, cướp tiệm vàng); một số vụ án giết nhiều người gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân; nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình.

Tình trạng mua bán và chế biến các chất ma túy diễn biến rất phức tạp. Hành vi lừa đảo qua mạng, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; “bảo kê”, băng nhóm “xã hội đen”, sử dụng “đầu gấu” đòi nợ thuê… diễn ra ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân.

“Đề nghị Bộ Công an tập trung trấn áp các loại tội phạm; các ngành chức năng ở trung ương và địa phương kiên quyết xử lý hành vi bao che vi phạm, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và tố giác tội phạm”- báo cáo nêu rõ.

Sách giáo khoa - tránh tình trạng độc quyền!

Về quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường, cử tri và nhân dân ghi nhận những chuyển biến trong thời gian qua. Tuy nhiên việc sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở một số địa phương chưa đúng quy hoạch; vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác đá, cát, sỏi trái phép, không phép trên một số địa bàn. Việc đền bù, tái định cư khi thu hồi đất chưa công khai, minh bạch; giá bồi thường chưa phù hợp; còn một số sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai chưa được giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều khiếu kiện bức xúc, kéo dài.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước và không khí tiếp tục xảy ra ở nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, nông thôn và đô thị; hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu có chiều hướng diễn biến phức tạp nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Cử tri đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ và chính quyền các địa phương thực hiện tổng rà soát và thanh tra việc quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và tăng cường đối thoại giữa chính quyền với người dân trong việc xử lý các tranh chấp đất đai.

Trong lĩnh vực giáo dục, cử tri phản ánh việc triển khai áp dụng chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục đã gần 40 năm qua nhưng chưa có đánh giá đầy đủ và toàn diện; việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học và phần lớn sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần gây lãng phí lớn cho xã hội.

Các sai phạm, tiêu cực trong khâu chấm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi và uy tín của ngành giáo dục, gây bức xúc trong nhân dân.

“Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có báo cáo tổng thể và công khai các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, tránh tình trạng “độc quyền”. Thực hiện rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”- ông Mẫn nhấn mạnh.

Tuy nhiên bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng ghi nhận nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo trong việc tổ chức triển khai chủ trương cải cách, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng, Nhà nước; đánh giá cao những kết quả đã đạt được, tiêu biểu như việc đổi mới hệ thống giáo dục của Việt Nam được Ngân hàng thế giới đánh giá là 1 trong 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới; các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay...

Thế Kha