Trung Quốc cấm đánh bắt cá ở Biển Đông:
Tập trung nhiều tàu kiểm ngư để bảo vệ và hỗ trợ ngư dân
(Dân trí) - Để đối phó với việc Trung Quốc đơn phương thông báo Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tập trung nhiều tàu kiểm ngư vào khu vực cấm biển để bảo vệ và hỗ trợ ngư dân sản xuất đánh bắt hải sản.
Mới đây, Trung Quốc đã đơn phương thông báo Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông bắt đầu từ 12h ngày 1/5/2017 đến ngày 16/8/2017, phạm vi cấm đánh bắt cá từ 12 độ vĩ Bắc đến vịnh Bắc Bộ thuộc chủ quyền biển của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra tại Bộ NN&PTNT sáng nay (3/3), trả lời câu hỏi của báo chí về việc lực lượng kiểm ngư Việt Nam sẽ làm gì để hỗ trợ ngư dân trước Quy chế trên của Trung Quốc, ông Vũ Duyên Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tập trung nhiều tàu kiểm ngư vào khu vực cấm biển để bảo vệ và hỗ trợ ngư dân sản xuất đánh bắt hải sản.
Theo ông Vũ Duyên Hải, hành động của Trung Quốc nói trên là vô lý, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Hành động đó của Trung Quốc còn vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục làm trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trên các ngư trường tuyền thống của Việt Nam.
Ngoài việc có sự hỗ trợ của lực lượng kiểm ngư như nói ở trên, ông Vũ Duyên Hải cũng đưa ra khuyến cáo, các ngư dân cần đi đánh bắt theo tổ đội, thường xuyên liên lạc thông tin giữa các tàu thuyền, đồng thời giữ liên lạc với lực lượng kiểm ngư để được hỗ trợ.
Trước đó, ngày 1/3, Hội Nghề cá Việt Nam ra tuyên bố phản đối phía Trung Quốc đơn phương có Quy chế cấm đánh bắt cá ở Biển Đông năm 2017. Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định, đây là hành động phi lý của phía Trung Quốc, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Hành động này khiến tình hình Biển Đông tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trên các ngư trường truyền thống của Việt Nam.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược, đơn phương của phía Trung Quốc. Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay Quy chế cấm đánh bắt cá ở Biển Đông nói trên.
Nguyễn Dương