“Tặng xe cứu thương thì được, còn nhận Mercedes thì… quá đáng”

(Dân trí) - Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phân tích, ở nước ngoài, ông từng chứng kiến việc doanh nghiệp tặng xe, phương tiện cho tổ chức, nhưng ở Việt Nam, việc này dường như có nhiều… lắt léo. Theo ông, tặng xe cứu thương cho bệnh viện thì được còn việc nhận xe sang phục vụ cá nhân thì… quá đáng.

Cấm nhận xe doanh nghiệp tặng để phục vụ chức danh


Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình thêm về một số nội dung trong dự thảo luật.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình thêm về một số nội dung trong dự thảo luật.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Quản lý tài sản nhà nước (sửa đổi) sau hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng qua đã có những điều chỉnh trong quy định về các hành vi bị cấm (Điều 10).

Theo UB Thường vụ Quốc hội, tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong luật này, vì thực tế hiện nay một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, dẫn đến việc phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng; hoặc tài sản được cho/biếu/tặng đúng tiêu chuẩn, định mức nhưng cá nhân lãnh đạo sử dụng tài sản đó cũng gây dư luận không tốt trong xã hội.

Tiếp thu ý kiến này, UB Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 10 về các hành vi bị cấm như sau: “Sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho để phục vụ cho cá nhân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Nội dung này được thể hiện tại khoản 4 Điều 10 của Dự thảo luật.

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấp trên cung cấp hoặc điều chuyển những tài sản quá tiêu chuẩn, định mức hoặc không có nhu cầu cho cấp dưới, thì cấp dưới có thể từ chối.

Ý kiến này cũng được bổ sung vào Điều 10 với quy định: “Cơ quan quản lý cấp trên mua sắm tài sản để giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công” và Điều 23: “Từ chối nhận tài sản do cơ quan quản lý cấp trên giao không phù hợp với nhu cầu sử dụng hoặc tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công”.

Khó đánh giá nguy cơ trục lợi từ việc nhận ô tô doanh nghiệp tặng


Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên thảo luận

Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên thảo luận

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, không nên cấm việc biếu, tặng ô tô, vấn đề là sử dụng thế nào, sử dụng cho cá nhân thì không được nhưng biếu tặng để dùng vào mục đíc công cộng, mục đích từ thiện, nhân đạo thì cần khuyến khích. Ông Phúc phân tích, tặng xe máy hay ô tô cũng được, mang xe đó đi đấu giá, tiền thu về để giúp người nghèo.

Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thông tin, ở nước ngoài, ông cũng chứng kiến việc doanh nghiệp tặng xe, phương tiện cho tổ chức này tổ chức kia, nhưng “hình như ở ta, việc cho tặng có lắt léo khác”. Do đó, ông Giàu đề nghị, mọi xe cộ được tặng phải tập hợp về và xử lý chung, điều chuyển giữa nơi thừa với nơi thiếu thì chắc chắn không có chuyện gì xảy ra.

“Một số phương tiện đặc biệt như xe cứu thương tặng cho xã, phường, bệnh viện thì nên có quy định riêng. Còn nhận Mercedes thì đúng là… quá đáng!” – ông Giàu bày tỏ quan điểm.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bình luận, những nguy cơ trục lợi từ việc nhận tài sản biếu, tặng rất khó để đánh giá. Cử tri thì lo lắng về khả năng tiêu cực nên trong dự thảo luật cần có điểm quét như nghiêm cấm trục lợi.

Bà Hải nêu giả thiết, có việc doanh nghiệp tặng xe cho sở, ban, ngành ở địa phương nhưng đằng sau việc đó lại có những dự án, hợp đồng kinh tế liên quan thì rất khó xác định động cơ có vấn đề gì hay không. Ngạn ngữ nước ngoài đã nói “không có bữa ăn nào là miễn phí”, vậy nên cần làm sao để việc cho biếu tặng đảm bảo tính minh bạch.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, chuyện nhận tài sản doanh nghiệp biếu, tặng không nên “cứng” vì đó là chuyện của tổ chức cá nhân cho nhà nước, nên nghĩ là bình thường. Vấn đề cơ bản nhất là người sử dụng tài sản đó có đúng mục đích không, đúng tiêu chuẩn định mức không, nếu vượt, thừa định mức thì phải đấu giá để thu phần thừa đó về ngân sách.

“Nếu áp dụng đúng định mức thì có tặng xe giá trị vượt tiêu chuẩn cũng không ai nhận đâu vì chức danh chỉ được đi xe 1 tỷ mà tặng xe 3 tỷ, ai dám nhận? Vấn đề là vì không chặt chẽ quản lý việc nhận, dùng tài sản được tặng đó nên xe có vượt tiêu chuẩn cán bộ vẫn nhận, vẫn đi” – ông Hiển nói.

P.Thảo