Cà Mau:
Sở, huyện thiếu sót, tỉnh yêu cầu rút kinh nghiệm... trong các dự án khác!
(Dân trí) - Tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp hay việc chậm tiến độ xây dựng, sửa chữa một số công trình, dự án… là những vấn đề “nóng” mà nhiều người dân ở tỉnh Cà Mau bức xúc đặt ra sau kỳ họp thứ 14- HĐND tỉnh Cà Mau khóa VIII.
Tại kỳ họp thứ 15- HĐND tỉnh Cà Mau khóa VIII vừa diễn ra cuối tuần này, thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng đã có những phản hồi trước những bức xúc, kiến nghị của cử tri về nhiều vấn đề liên quan trên địa bàn tỉnh.
Việc công khai, minh bạch còn hạn chế… dẫn đến dễ tham nhũng
Nhiều cử tri tỉnh Cà Mau cho rằng, tình hình tham nhũng thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại kinh tế ngày càng lớn và có tính chất tinh vi hơn. Cử tri đặt ra câu hỏi, nguyên nhân tại sao việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả và cần có giải pháp gì để hạn chế tối đa tình trạng này để củng cố niềm tin đối với nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Tỉnh đã quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng với nhiều hình thức như tuyên truyền, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định, nhất là việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, định mức tiêu chuẩn công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện kê khai tài sản, thu nhập theo quy định;… Nhìn chung, hiệu lực và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng thừa nhận, tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng vẫn còn xảy ra tại một số nơi trên địa bàn tỉnh. “Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành chưa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; việc công khai, minh bạch trong các hoạt động có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, trong quản lý tài chính, tài sản của Nhà nước, trong công tác cán bộ,... ở một số nơi còn hạn chế; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; một số cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế xã hội chưa chặt chẽ; chưa huy động được sức mạnh to lớn của quần chúng vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng”, Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau lý giải.
Theo Phó Chủ tịch Thân Đức Hưởng, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh và các cấp, các ngành có liên quan tập trung thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống tham nhũng và chống lãng phí. Trong đó, sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực này. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
“Sở, huyện sai, tỉnh đề nghị rút kinh nghiệm ở các… dự án khác !”
Người dân tỉnh Cà Mau cũng bức xúc phản ánh, nhiều công trình như việc đầu tư tuyến lộ cấp VI xã Tân Lộc Đông, cầu Ngã Năm - Vàm Bướm và cầu bắc qua kênh Láng Trâm đến nay đã hơn 3 năm nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng khiến việc đi lại, làm ăn của người dân rất khó khăn; Công trình sửa chữa tuyến lộ từ Tắc Thủ đến Rạch Ráng chưa có sự thống nhất, một số đoạn xây dựng bằng bê tông, một số đoạn xây dựng bằng đất dễ gây sạt lở, hư hỏng tuyến lộ; Hay ở khu vực ấp Mũi Tràm B là nơi giáp biển, thường xuyên xảy ra giông, gió, lốc xoáy gây nguy hiểm cho người dân nhưng chưa được xem xét xây dựng nhà tránh trú bão cho người dân để khi bão đến có nơi trú ẩn an toàn.
Với những phản ánh trên, Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng cho biết, việc đầu tư xây dựng, tu sửa một số tuyến đường, nhà tránh trú bão cho người dân là rất cần thiết nhưng chưa thể thực hiện được.
Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau phân trần, do hiện nay nguồn vốn ngân sách nhà nước khó khăn, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế sửa chữa hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu bảo trì công trình giao thông trên địa bàn, chưa tranh thủ được nguồn vốn của Trung ương đầu tư. “Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, Ban ngành, địa phương cân đối ngân sách cũng như tiếp tục tranh thủ huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để sớm thực hiện đầu tư, sửa chữa các công trình khi có điều kiện”, Phó Chủ tịch tỉnh nêu phương án.
Một trong những bức xúc của cử tri ở huyện Ngọc Hiển là khi thực hiện dự án vùng đất ngập nước ven biển tỉnh Cà Mau thì trong việc điều tra di dời vẫn còn sót lại một số hộ dân trong diện phải di dời nhưng ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp hỗ trợ gì khiến cuộc sống rất khó khăn.
Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau cho biết, qua phản ánh thì hiện vẫn còn sót lại khoảng 38 hộ. Tuy nhiên, dự án này đã kết thúc từ năm 2010 nên việc kiến nghị được di dời theo khung chính sách của dự án không thể thực hiện được.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh, việc thống kê, tổng hợp các hộ dân để di dời tái định cư không đầy đủ, phải bổ sung nhiều lần là trách nhiệm của Sở NN&PTNT, UBND huyện Ngọc Hiển và các đơn vị có liên quan. “Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh giao Sở ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý theo đúng quy định”, Phó Chủ tịch Cà Mau nhấn mạnh.
Tuy nhiên, điều đáng nói là với trách nhiệm trong những vấn đề trên, tỉnh Cà Mau lại chỉ yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan “nghiêm túc rút kinh nghiệm” trong các dự án khác, chứ không có một hình thức xử lý gì.
Huỳnh Hải