Quyết định vấn đề đặc biệt về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia phải trưng cầu ý dân

(Dân trí) - Toàn văn Hiến pháp, vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia … là những vấn đề Quốc hội sẽ xem xét, quyết định đưa ra trưng cầu ý dân.

Luật Trưng cầu ý dân được Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công bố sáng nay, 18/12, theo lệnh của Chủ tịch nước. Luật vừa được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, cuối tháng 11/2015.

Việc ban hành luật Trưng cầu ý dân được khẳng định là phản ánh nhu cầu khách quan, cần thiết trong giai đoạn hiện nay, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực vào việc quyết định các công việc của nhà nước, phù hợp với bản chất nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Luật cũng góp phần thiết thực vào việc phản ánh các giá trị tư tưởng trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc.

Theo đó, trưng cầu ý dân là một phương thức để thể hiện ý chí và quyền lực của nình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong rừng thời điểm cụ thể. Luật tạo cơ sở phps lý đồng bộ và những điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp thực hành dân chủ, sử dụng phương thức trưng cầu ý dân để thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

 

Trưng cầu ý dân thể hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín, giống như bầu cử, có giá trị quyết định.
Trưng cầu ý dân thể hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín, giống như bầu cử, có giá trị quyết định.

Trong bối cảnh hội nhập, luật Trưng cầu ý dân sẽ tạo điều kiện để người dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề lớn,  để xây dựng đất nước.

Luật được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 52 điều.

Ông Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội luật Gia Việt Nam, đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo luật nhấn mạnh, trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân tuy cùng là hình thức để người dân phát huy quyền dân chủ, thể hiện ý kiến với nhà nước nhưng giữa 2 việc này có sự khác nhau về nội dung, hình thức và giá trị pháp lý.

Về nội dung, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và phảo do Quốc hội quyết định chứ không phải như việc lấy ý kiến nhân dân có thể là những vấn đề ở mức độ, phạm vi khác nhau.

Về hình thức, trong trưng cầu ý dân, người dân thể hiện ý chí của mình thông qua việc bỏ phiếu kín, còn trong lấy ý kiến nhân dân thì các hình thức để người dân thể hiện ý chí của mình thường linh hoạt hơn rất nhiều.

Về giá trị pháp lý, trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu. Còn kết quả lấy ý kiến nhân dân chỉ là cơ sở để cơ quan, tổ chức tham khảo, tiếp thu, quyết định.

Đối tượng trưng cầu ý dân gồm các cử tri, còn với việc lấy ý kiến nhân dân, đối tượng có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình… Cụ thể, người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý kiến cơ bản thống nhất như cử tri cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, là công dân đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân.

Việc ban hành Luật Trưng cầu ý kiến, theo đó, không hạn chế việc nhà nước tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với những vấn đề đã được quy định trong Hiến pháp và luật.

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề: toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội có ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước; Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Vì trưng cầu ý dân là hình thức quan trọng để thể hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân nên luật quy định rõ, chỉ UB Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

Cơ quan soạn thảo luật cũng nêu thực tế tổ chức bầu cử ở Việt Nam đã chứng minh sức thu hút, bảo đảm sự tham gia đông đảo của cử tri cả nước đối với những vấn đề quan trọng của đất nước là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, để bảo đảm hiệu lực của vấn đề trưng cầu ý dân, luật quy định các điều kiện về kết quả  trưng cầu ý dân.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội luật Gia Việt Nam Lê Minh Tâm cho biết, quy định của luật này, như vậy là “chốt” điều kiện về một tỷ lệ rất cao so với luật tương tự ở các nước.

Cụ thể, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ¾ tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành. Đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp, cần phải có 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành.

UB Thường vụ Quốc hội là cơ quan được giao tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân, ra nghị quyết xác định kết quả trưng cầu trong cả nước. Nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu. Trường hợp bỏ phiếu lại thì thời hạn công bố kết quả trưng cầu ý dân chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu lại.

P.Thảo