Quốc hội đánh giá công tác điều hành của Chính phủ 1 năm qua

(Dân trí) – Kỳ họp cuối năm 2012 chuẩn bị khai mạc, hoạt động đầu tiên của Quốc hội là nghe báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2012, kế hoạch 2013 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày. Những chỉ tiêu kinh tế không đạt sẽ được xem xét, đánh giá…

Quốc hội đánh giá công tác điều hành của Chính phủ 1 năm qua
Đoàn đại biểu Quốc hội do lãnh đạo Đảng, nhà nước dẫn đầu đi bộ từ đường Hùng Vương 7h sáng nay.
 
Đoàn di chuyển qua quảng trường Ba Đình, đặt vòng hoa, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Đoàn di chuyển qua quảng trường Ba Đình, đặt vòng hoa, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Sáng sớm nay, 22/10, lãnh đạo Đảng, Nhà nước dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi bắt đầu chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 4.
 
Sau phiên họp trù bị để thông qua chương trình đề xuất, Quốc hội chính thức khai mạc, bắt đầu 1 tháng làm việc trong kỳ họp cuối năm. Bản báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 đã được đặt trên bàn nghị sự, với những thành quả, vui mừng, cũng không ít ưu tư.

Những con số thống kê cho đến thời điểm này, dù còn ít tháng nữa mới kết thúc năm tài khóa 2012, cũng nói lên nhiều điều. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng qua đã có “có những chuyển biến tích cực, đúng hướng”. Lạm phát cả năm dự kiến được khống chế ở mức 8%, đúng yêu cầu giữ ở mức 1 con số như Quốc hội đề ra trong 2 kỳ họp trước.

Tuy nhiên, 5/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội được giao có khả năng không về đích lại là những chỉ tiêu rất quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước chỉ đạt 5,2% (thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 6 - 6,5%), tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chỉ đạt 29,5% GDP, tạo việc làm đạt hơn 1,5 triệu lao động (hụt chút ít so với kế hoạch 1,6 triệu), giảm nghèo đạt 1,7% (so với mục tiêu 2%)…

Những con số này sẽ được Quốc hội xem xét rốt ráo trong kỳ họp thiên về việc tổng kết, đánh giá vấn đề kinh tế xã hội, tình hình thu chi ngân sách… Quốc hội sẽ dành 10 ngày để nghiên cứu, thảo luận về các báo cáo kinh tế, xã hội, ngân sách, giám sát này…
 
Quốc hội đánh giá công tác điều hành của Chính phủ 1 năm qua
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng trao đổi trước khi dẫn đoàn vào lăng viếng Bác.
 
Tổng Bí thư và Chủ tịch nước bắt tay, chào hỏi thân mật (ảnh: Việt Hưng).
Tổng Bí thư và Chủ tịch nước bắt tay, chào hỏi thân mật.

Những vấn đề “nóng” như chính sách tiền tệ, ngân hàng, lãi suất… cũng là những nội dung được bàn sâu sắc, có thể là những chủ đề để “nhắm” chọn các Bộ trưởng trả lời chất vấn.

Hoạt động lập pháp dự kiến chiếm thời lượng khoảng 16 ngày. Trong kỳ họp này, Quốc hội lần đầu cho ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp 1992 với việc xem xét, thông qua Nghị quyết về việc trưng cầu ý kiến toàn dân để xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Một số luật quan trọng như Luật Thủ đô, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi… sẽ được thông qua trong kỳ họp này. Luật Đất đai sửa đổi được đưa ra thảo luận, cho ý kiến lần đầu.

Quốc hội cũng dự kiến thông qua một Nghị quyết quan trọng – Nghị quyết về thủ tục, cách thức, quy trình thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê duyệt… để có thể bắt đầu áp dụng từ năm tới.

Cùng với Nghị quyết này, lần đầu tiên, tại kỳ họp này, Quốc hội nghe báo cáo về việc thực hiện lời hứa trước dân của các Bộ trưởng đã đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3. Báo cáo tổng hợp do Chính phủ thực hiện này cũng thể hiện đánh giá của tập thể, lãnh đạo Chính phủ đối với việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi thành viên của mình.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây cũng là một căn cứ để để lấy phiếu tín nhiệm. 2 năm liên tiếp lấy phiếu không đạt tỷ lệ 50%, Bộ trưởng sẽ bị bỏ phiếu tín nhiệm.

 
P.Thảo
(Ảnh: Việt Hưng)