Quảng cáo thực phẩm trên Facebook khó quản vì máy chủ ở nước ngoài

(Dân trí) - Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết số 43 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ nêu một thực trạng, việc quản lý quảng cáo thực phẩm trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn.


Việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Youtube…), trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung

Việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Youtube…), trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung

Trên 77.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

Về tình hình ngộ độc thực phẩm, theo báo cáo, trong 9 tháng (từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/9/2018), toàn quốc ghi nhận 79 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.856 người mắc, 1.533 người đi viện và 15 trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ năm 2017, số vụ giảm 38 vụ (32,5%), số mắc giảm 1.427 người (43,5%), số đi viện giảm 1.594 người (51,0%), số tử vong giảm 3 người (16,7%). Nguyên nhân ngộ độc do vi sinh vật là 30 vụ (38,0%), do độc tố tự nhiên là 15 vụ (19%), do hóa chất là 4 vụ (5%) và 30 vụ chưa xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (38%).

Theo báo cáo, các trường hợp chưa xác định được nguyên nhân gây ngộ độc là do không lấy được mẫu thực phẩm nghi ngờ chứa tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hoặc không tìm thấy tác nhân gây ngộ độc thực phẩm trong thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm.

Trong kiểm tra, giám sát, báo cáo cho biết lũy kế từ đầu năm đến nay không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol trong 477 mẫu thịt, 3.506 mẫu nước tiểu; 460/1.907 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh (chiếm 24% giảm so với năm 2017 tỷ lệ là 26,7%).

Kết quả giám sát cũng không phát hiện mẫu thịt tươi vi phạm chỉ tiêu kháng sinh (giảm so với năm 2017 là 0,63%, năm 2016 là 1,76%); 35/2.349 mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu kháng sinh (chiếm 1,5% tăng so năm 2017 là 0,89%). Riêng mẫu rau, quả Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai lấy mẫu nhưng chưa có kết quả phân tích.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 401.653 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm chiếm 19,2%; đã xử lý 24.600 cơ sở (chiếm 31,91% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 21.600 cơ sở với số tiền phạt trên 42 tỷ đồng.

Ngoài các hình thức xử phạt chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, như đình chỉ lưu hành sản phẩm 195 cơ sở, số cơ sở có nhãn phải khắc phục 485, số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm 3.926; tiêu hủy 3.821 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Người ký báo cáo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, Bộ Công an trong 9 tháng đã phát hiện 4.732 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm với 4.049 cá nhân, 525 tổ chức vi phạm.

Trong đó đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 5 vụ, 10 bị can về tội "vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm" và một số tội danh khác có liên quan đến an toàn thực phẩm. Xử phạt vi phạm hành chính 3.453 vụ, 2.956 cá nhân, 379 tổ chức với số tiền xử phạt là 14.252.472.000 đồng. Buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người bao gồm các loại bánh kẹo, rượu, bia, mỳ chính, thực phẩm chức năng.

Bán hàng online lừa dối diễn biến phức tạp

Đánh giá chung, Chính phủ khẳng định sau 1 năm triển khai nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Một trong những kết quả là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đã được ban hành tương đối đầy đủ, phủ kín các đối tượng, công đoạn trong chuỗi sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý là Bộ Y tế đang hoàn thiện nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong đó lĩnh vực thực phẩm dự kiến cắt giảm 704/835 (84,31%) điều kiện đầu tư kinh doanh và 36/54 (66,67 %) thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ, việc thực thi pháp luật tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu. Ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan.

Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm; giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm... còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn diễn biến phức tạp, Đặc biệt đối với các thực phẩm sinh lời cao như thực phẩm chức năng rất dễ dẫn đến làm giả và buôn lậu. Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng... chưa được được kiểm soát chặt chẽ, đang có nguy cơ đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, tình trạng làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức về lĩnh vực thực phẩm được các đối tượng thực hiện rất tinh vi, các cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Hạn chế tiếp theo được nêu tại báo cáo là việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Youtube…), trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm. Đặc biệt một số website chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài nên cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát, khó xử lý.

Chính phủ nhận định, tình trạng một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không đăng ký bản công bố, bán hàng online quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng còn diễn biến phức tạp.

P.Thảo