Phó Thủ tướng: Tình trạng sốt đất tại 3 đặc khu tiềm ẩn ủi ro
(Dân trí) - “Chia lửa” với Bộ trưởng TN-MT trong phiên trả lời chất vấn sáng 5/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời, làm rõ thêm các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội về công tác quản lý đất đai đặc biệt ở đô thị, khu vực phát triển kinh tế, ven biển…
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, những năm qua, hoạt động quản lý đất đai tại các đô thị, khu phát triển kinh tế, khu vực ven biển đã có những chuyển biến tích cực, góp phần từng bước lập lại trật tự quản lý, sử dụng đất đai, góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều hạn chế vẫn bộc lộ như việc thiếu không gian công cộng, không gian giao thông cho người dân.
Phó Thủ tướng xác nhận tình trạng ở nhiều khu du lịch, các khách sạn, resort, đường xuống bãi biển không có, các hạng mục xây dựng, kinh doanh “bọc” kín bãi biển. Có quá nhiều các dự án phát triển nhà ở, khu du lịch, khách sạn, resort thiếu kiểm soát dẫn tới tình trạng sử dụng đất sai phép, lấn chếm không gian công cộng….
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề cập hiện tượng phát triển đô thị chưa căn cứ vào quy hoạch, tình trạng xây dựng không, phép trái phép vẫn có, đặc biệt là tại những khu vực tiềm năng lợi nhuận cao.
Ông Dũng dẫn chứng, tình trạng sốt đất ở 3 khu vực dự kiến xây dựng đặc khu kinh tế trong tương lai (Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong) dù đã được chấn chỉnh nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vấn đề khác nổi lên là việc định giá đất trong các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng), dự án khu đô thị, nhà ở, dịch vụ, định giá đất trong hoạt động cổ phần hoá … không đúng giá thị trường dẫn đất thất thoát tài sản nhà nước.
Nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 01 về chấn chỉnh hoạt động quản lý đất đai; hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đất đai, quản lý không gian biển, bờ sông; dành đất cho giao thông tĩnh và động công cộng như bãi đỗ xe, đường giao thông, bãi biển cho người dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải kiểm tra chặt chẽ công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình theo dúng quy hoạch kế hoạch được duyệt, thu hồi các dự án không có nguồn lực, không có khả năng thực hiện, ngăn chặn tình trạng mua bán đất trái phép tại địa phương…
Cơ quan quản lý cũng quán triệt nguyên tắc dành không gian biển phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương, xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm đất, không gian công cộng ở bờ sông, bờ biển. Hoàn thiện pháp luật về đấu giá đất ở vị trí đất “vàng” tại các địa phương trong các dự án BT, dự án chuyển đổi đất của doanh nghiệp trong cổ phần hoá.
Liên quan đến Nghị quyết 120 về quản lý, bảo vệ phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là vấn đề lớn với nhân loại trong thế kỷ 21 mà Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của hiện tượng này, trong đó ĐBSCL chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Năm 2017 Thủ tướng đã tổ chức hội nghị về vấn đề này tại ĐBSCL. Để đưa nghị quyết 120 vào cuộc sống, Thủ tướng chỉ đạo một số giải pháp, yêu cầu các bộ ngành địa phương sử dụng tốt các nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho hoạt động ứng phó với nước biển dâng trong tài khoá 2016 -2020 đồng thời thực hiện các dự án chống sạt lở bờ sông, biển từ nguồn 1.500 tỷ đồng dự phòng ngân sách năm 2018. Thủ t ướng cũng đã quyết định bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn để làm việc này.
Phó Thủ tướng cũng xác định tầm quan trọng của việc khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội, quốc tế cho việc ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ ĐBSCL.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ TN-MT chủ trì với các bộ ngành liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL. Các tỉnh thành cũng phải nghiên cứu tái cấu trúc các ngành kinh tế liên quan địa phương mình với phương thức thích ứng, nghiên cứu mô hình hiệu quả để trên cơ sở đó phát triển ngành lĩnh vực và quy oạch toàn vùng, sản phẩm thích ứng biển đổi khí hậu.
P.Thảo