Phó Thủ tướng: Ngoại giao Việt Nam đang đối diện những thách thức mới

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực không ngừng diễn biến phức tạp, việc triển khai một cách hiệu quả chính sách đối ngoại đang đặt ra những thách thức mới đối với ngoại giao Việt Nam

Sáng nay 20/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Ngoại giao Việt Nam: 70 năm truyền thống và định hướng tương lai" với sự tham dự của đại sứ các nước và đại diện tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các quan khách dự hội thảo (Ảnh: Nam Hằng)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các quan khách dự hội thảo (Ảnh: Nam Hằng)

Phát biểu tại cuộc hội thảo, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị Việt-Trung trong 65 năm qua, "vừa là đồng chí, vừa là anh em" đã trở thành tài sản quý báu chung của hai đảng, nhân dân hai.

"Bước vào thế kỷ 21, dưới sự chỉ đạo của phương châm 16 chữ "ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt", hai nước đã xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện", ông Hồng Tiểu Dũng nói. Ông cũng đề cập tới sự vui mừng khi thấy lãnh đạo hai nước duy trì trao đổi mật thiết và khai thông chiến lược trong việc phát triển quan hệ song phương.

"Chúng tôi vui mừng nhận thấy hai nước đã từng bước giải quyết thỏa đáng vấn đề biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại dựa trên tình thần hiệp thương hữu hảo, lượng thứ và nhượng bộ lẫn nhau. Năm 1999, hai nước đã ký điều ước biên giới đất liền và năm 2000, hai nước ký kết Hiệp định phân giới Vịnh Bắc Bộ. Điều này cho thấy, hai nước có khả năng, trí tuệ để giải quyết tất cả những vấn đề mà cho đến nay vẫn chưa giải quyết được", Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh.

 

Đại sứ Trung Quốc Hồng Tiểu Dũng (ngoài cùng bên trái)
Đại sứ Trung Quốc Hồng Tiểu Dũng (ngoài cùng bên trái)

 

Theo ông, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc đã 11 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong nội khối ASEAN.

Ông Hồng Tiểu Dũng cho rằng: "Trong tình hình mới làm thế nào để thúc đẩy và làm sâu sắc hợp tác thực chất là nguyện vọng và là đề tài chung của cả hai nước". Ông cũng nhắc lại trước đây không lâu, trong thời gian Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ thăm Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã đạt được nhận thức chung quan trọng trong kết nối quy hoạch phát triển "nhất đới nhất lộ" của Trung Quốc và "một trục hai cánh" của Việt Nam và thúc đẩy hợp tác năng lực sản xuất Việt-Trung.

Vị Đại sứ cũng kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực mà Trung Quốc có năng lực sản xuất chiếm ưu thế như điện lực, giao thông, phân bón hóa học, gang thép, dệt may, công nghiệp nhẹ và nguyên vật liệu xây dựng rất phù hợp với nhu cầu phát triển của phía Việt Nam.

"Nhìn rộng ra, trên thế giới có rất ít nước có nhiềm điểm tương đồng như Việt Nam và Trung Quốc. Trên cơ sở đã có không ngừng củng cố và tăng cường láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện song phương, phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước", ông nói.

Khép lại bài phát biểu, Đại sứ Trung Quốc bày tỏ sự kính trọng đối với ngành ngoại giao Việt Nam với những nỗ lực đóng góp cho việc thúc đẩy quan hệ hai nước, đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho nhân dân hai nước và đóng góp hơn nữa trong việc duy trì ổn định và phát triển của cả khu vực.

"Việt Nam luôn kiên trì con đường ngoại giao độc lập tự chủ, hòa bình hợp tác và phát triển; kiên quyết đấu tranh với mọi thế lực lật đổ, phá hoại nhằm đảm bảo phương châm đối ngoại của Việt Nam, đóng góp không ngừng cho việc bảo vệ an ninh và ổn định quốc tế", Đại sứ nhận định.

Ông Hồng Tiểu Dũng cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam vào trong khuôn khổ hợp tác của Liên Hợp quốc cũng như những đóng góp lớn của Việt Nam cho sự hợp tác của ASEAN và việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.

Việt Nam: "Làm bạn với các nước, không thù oán với ai"

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định phương châm đối ngoại của Việt Nam “làm bạn với các nước, không gây thù oán với ai”. Gần 30 năm qua, chính sách ngoại giao Đổi mới của Việt Nam được triển khai theo tinh thần “là bạn, là đối tác tin cậy, và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước trên thế giới, trong đó có 2 đối tác chiến lược toàn diện, 13 đối tác chiến lược và 11 đối tác toàn diện. Trong quan hệ chính trị - ngoại giao với các đối tác, mức độ hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau ngày càng được nâng cao. Quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư không ngừng phát triển nhanh chóng với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng tham gia ngày càng sâu rộng và chủ động vào các tiến trình khu vực và các công việc quốc tế. Việt Nam hiện là thành viên chính thức của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực.

"Bước sang giai đoạn mới, chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Việt Nam sẽ nỗ lực đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, phát triển quan hệ với các đối tác chủ chốt và các nước bạn bè truyền thống. Trong ngoại giao đa phương, Việt Nam tiếp tục giữ vai trò thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, đồng thời tham gia tích cực hơn nữa vào các cơ chế đa phương khác, trước hết là Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực không ngừng diễn biến phức tạp, việc triển khai một cách hiệu quả chính sách đối ngoại với định hướng nêu trên đang đặt ra những thách thức mới đối với ngoại giao Việt Nam", PHó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Nam Hằng