Phó Thủ tướng: Nếu không tăng trưởng đủ 6,7%, các bài toán phải tính lại
(Dân trí) - Giải trình một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm trong hơn 2 ngày liên tục thảo luận về kết quả phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định kết quả cũng như chất lượng tăng trưởng đạt được của năm 2017.
Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ năm 2017, bên cạnh rất nhiều những cơ hội, thuận lợi thì không ít khó khăn, đặc biệt là tình hình thiên tai xảy ra liên tiếp, diễn biến rất phức tạp.
Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng là phải tập trung để cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh nhằm huy động tối đa các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài cho đầu tư phát triển. Đồng thời Chính phủ và Thủ tướng đã đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân để tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư, trong sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Từ kết quả đó, theo đánh giá của diễn đàn kinh tế thế giới thì năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, 2018 của Việt Nam đã tăng được 5 bậc, tức là xếp hàng 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ - Phó Thủ tướng cho biết.
Ông cũng thông tin thêm, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, năm 2018 dự kiến sẽ tăng 14 bậc, tức là lên 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là tín hiệu rất mừng của môi trường đầu tư kinh doanh cũng như môi trường phát triển của Việt Nam.
Quyết tâm giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm dù những quý đầu năm có rất nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng giải thích, phải đạt được mức tăng trưởng đề ra để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Vì nếu không tăng trưởng 6,7% thì tất cả các bài tính về kinh tế vĩ mô của năm 2017 phải tính lại hết.
Tăng trưởng đạt mục tiêu cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, thu ngân sách tăng hơn, đảm bảo các mục tiêu chi và đầu tư xây dựng, từ đó góp phần để từng bước giảm bội chi, đời sống người dân sẽ được cải thiện. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được thực hiện.
Phó Thủ tướng cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản cụ thể cho từng quý, đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, đặc biệt rà soát cụ thể đối với 31 sản phẩm chủ lực, những sản phẩm này tạo ra giá trị khoảng hơn 1 tỷ đô la cho xuất khẩu, cho phát triển kinh tế. Đồng thời yêu cầu các bộ quản lý ngành kinh tế, tập trung để tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phó Thủ tướng khẳng định, kết quả 6,7% là nhờ tăng trưởng cao và khá đồng đều ở cả 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Cụ thể, khu vực nông nghiệp 9 tháng tăng 2,78%, tức là gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2016, riêng thủy sản tăng 5,42% và xuất khẩu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, ước cả năm đạt 35 tỷ USD, cao hơn năm trước xấp xỉ 3 tỷ USD.
Khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng tăng 7,17%, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng rất mạnh 12,77% .
Khu vực dịch vụ 9 tháng tăng 7,25% và là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng 10 tháng đã tăng 10,7%, cùng kỳ chỉ tăng 9,3%. Kinh tế du lịch tăng mạnh, 10 tháng khách quốc tế đạt trên 10 triệu (10,4 triệu lượt khách), tức là đã bằng năm ngoái. Xuất khẩu tăng mạnh, 10 tháng đạt 173 tỷ USD, tức là gần bằng tổng xuất khẩu năm 2016. Từ đó, góp phần giảm nhập siêu, đến thời điểm này đã xuất siêu được 1,23 tỷ USD.
Cụ thể hơn, Phó Thủ tướng thông tin, trong xuất khẩu có nhiều sản phẩm đạt kết quả rất đáng mừng, đó là rau quả tăng đến 42,7%, các thiết bị sản xuất máy tính tăng 38,8%, các máy móc, thiết bị, phụ tùng... của các ngành công nghiệp chế biến tăng 28% và có rất nhiều sản phẩm mới được tạo ra.
Như vậy, kết quả tăng trưởng đạt được, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực, chẳng hạn như phụ thuộc vào Samsung hay phụ thuộc vào một vài sản phẩm thép... mà nó tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế cả 3 khu vực.
Về lĩnh vực xã hội, Phó Thủ tướng nêu khó khăn nổi bật là tình hình thiên tai. Tính đến thời điểm này, bão lũ, tai ương đã gây thiệt hại 36.000 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD). So với mức 5 triệu tỷ đồng tổng thu nhập quốc nội đạt được năm ngoái, thiên tai đã cuốn đi 1,5% GDP cả năm. 245 người cũng đã thiệt mạng do nưng lực ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu còn hạn chế.
Lãnh đạo Chính phủ phân tích thẳng thắn ngịch lý, với những cơn bão mạnh như bão số 10, do chuẩn bị, ứng phó tốt, thiệt hại về người được giảm thiểu nhưng trận mưa lũ chỉ do áp thấp nhiệt đới vừa qua lại gây thiệt hại rất nặng nề cho khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Nguyên nhân, theo Phó Thủ tướng là công tác dự báo còn hạn chế khi sạt lở, lũ ống, lũ quét là những hiện tượng rất khó phán đoán, cảnh báo cũng như do tâm lý chủ quan, chưa chủ động phòng ngừa.
Ngoài ra, nguyên nhân sâu xa là do tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng rất nghiêm trọng, vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều phức tạp, chưa được khắc phục triệt để, tiêu biểu là việc khai thác, hút cát gây sụt lòng, sạt lở bờ sông….
P.Thảo