Phó Thủ tướng: Biển Đông xảy ra xung đột, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất
(Dân trí) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Thời gian qua, các nước quan tâm và có nhiều hoạt động quân sự diễn tập làm cho tình hình Biển Đông “nóng” hơn. “Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông.” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Khu vực dễ xảy ra xung đột
Năm 2018 ghi nhận những diễn biến phức tạp trên Biển Đông khi các nước lớn gia tăng sự ảnh hưởng, đẩy mạnh hoạt động quân sự hoá. Trong khi cuộc “chạm trán” của tàu chiến Mỹ và Trung Quốc xảy ra khiến căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới, gây ảnh hưởng tới những quốc gia ven Biển Đông, thì Anh lại tính toán mở căn cứ quân sự ở khu vực này.
Ngày 15/1, trao đổi với PV Dân trí về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thẳng thắn đánh giá tình hình thực tế, nêu quan điểm rõ ràng của Việt Nam và đề cập tới giải pháp giải quyết những bất đồng trên Biển Đông.
Theo Phó Thủ tướng, Biển Đông vẫn là vấn đề được quan tâm lớn, không chỉ của Việt Nam, của các nước trong khu vực mà cả các nước ngoài khu vực. Bất cứ vấn đề gì xảy ra ở Biển Đông cũng tác động tới môi trường hòa bình an ninh, tự do hàng hải, thương mại hàng hải, giao lưu trong khu vực.
Diễn biến phức tạp do sự thay đổi nguyên trạng Biển Đông, do kết quả của vấn đề mở rộng các đảo đá, quân sự hóa các đảo đá khu vực, làm cho các nước hết sức lo ngại về việc Biển Đông trong tương lai sẽ trở thành khu vực dễ xảy ra sự kiện xung đột, từ đó ảnh hưởng môi trường hòa bình ổn định trong khu vực mà của cả Châu Á - Thái Bình Dương.
“Các nước quan tâm và có nhiều hoạt động quân sự diễn tập tại khu vực này, làm cho tình hình Biển Đông “nóng” hơn. Biển Đông là mối quan tâm chung, không được tiến hành các hoạt động có thể dẫn đến sự cố, gây xung đột trong khu vực. Việt Nam sẽ là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông.” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Việt Nam khẳng định, lập trường của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, đó là quyền của các nước có vùng đặc quyền kinh tế và bờ biển, không xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế. Việt Nam tiếp tục thúc đẩy và hoàn nghênh các sáng kiến góp phần duy trì hòa bình trên Biển Đông.
Bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, với hoạt động của các nước, tàu của các nước lên quan tới khu vực Biển Đông, quan điểm của Việt Nam là nếu tất cả nhằm đóng góp phục vụ mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, công ước luật biển 1982 thì Việt Nam không phản đối.
“Đó cũng là con đường tự do thông thương trên cơ sở hòa bình, những mục tiêu mà chúng ta luôn ủng hộ.” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Một biên đội do tàu sân bay Mỹ dẫn đầu diễn tập gần Biển Đông. (Ảnh: AFP)
Đối với Bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, giữa ASEAN và Trung Quốc đã có Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) từ 2002 đến nay.
“Qua gần 20 năm, trong DOC có điều khoản phải tiến tới xây dựng COC. Việc ASEAN - Trung Quốc thương lượng xây dựng COC không phải điều nằm ngoài tiến trình DOC nhưng diễn ra chậm hơn mong muốn của các bên.” - Phó Thủ tướng thông tin.
Trên thực tế, năm 2017, 2018, ASEAN và Trung Quốc mới bắt đầu thương lượng được các thành tố COC, chưa có văn bản về COC. Đây là thương lượng nội bộ trong ASEAN và Trung Quốc, chưa có văn bản nào công bố ra bên ngoài.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, COC phải đảm bảo các nguyên tắc: Thực hiện hiệu quả, ràng buộc về pháp lý và thực thi được.
“Hiện trong DOC có nhiều điều khoản chưa thực hiện được, dù hàng năm vẫn kiểm điểm đánh giá việc thực hiện DOC, trong đó có thay đổi các hiện trạng tại Biển Đông là điều DOC chưa làm được, do đó COC phải đảm bảo các yếu tố có tính chất pháp lý ràng buộc.” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết thêm.
Châu Như Quỳnh