Phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ trong điều kiện biến đổi khí hậu
(Dân trí) - “Tiềm năng và thế mạnh của vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới vẫn là nông nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào. Vì vậy, nghiên cứu đánh giá để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng là rất quan trọng”.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng- UVTWĐ- Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, cho hay: Thời gian qua, đã có rất nhiều nghiên cứu về sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên qua những nghiên cứu đã có cho thấy, chưa có bộ cơ sở dữ liệu ở cấp quốc gia cập nhật về vùng Tây Nam Bộ; chưa có một nghiên cứu đánh giá tổng thể ở cấp quốc gia về mọi mặt của vùng Tây Nam Bộ mang tính chiến lược, dài hạn, dựa trên cách tiếp cận về phát triển bền vững vùng; chưa có một nghiên cứu định hướng phát triển bền vững cho toàn vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, phù hợp với bối cảnh phát triển mới.
“Chính vì thế, tính cấp thiết phải thực hiện nghiên cứu đề án phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 bởi Đảng và Nhà nước nhận định vị thế quan trọng của vùng Tây Nam Bộ và đặt ra yêu cầu phải phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, tạo ra sự chuyển biến lớn để vùng phát triển ổn định. Sự phát triển của vùng sẽ góp phần to lớn để đạt các mục tiêu về phát triển bền vững của quốc gia trong tương lai”- GS.TS Thắng nhấn mạnh.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, vùng Tây Nam Bộ vẫn còn gặp rất nhiều thách thức trong thời gian tới: nền kinh tế vùng tăng trưởng chưa ổn định và chưa vững chắc; chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; sản phẩm du lịch của vùng bị trùng lắp, khó khăn trong việc thu hút khách và giữ khách; nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng rất thấp, thiếu cả đội ngũ công nhân kỹ thuật lẫn chuyên gia; toàn bộ hệ thống giao thông chưa được quy hoạch một cách tối ưu dẫn đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước còn hạn chế; các nguồn tài nguôn thiên nhiên được sử dụng thiếu hiệu quả và đang có nguy cơ cạn kiệt và suy thoái; dân số đông nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao; ĐBSCL được đánh giá là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng; hoạt động liên kết, hợp tác giữa các tỉnh thành trong nội bộ vùng và vùng với bên ngoài vẫn còn những hạn chế nhất định…
Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Các luận cứ cho phát triển bền vững vùng phải quan tâm đến ba khía cạnh quan trọng và có quan hệ mật thiết: kinh tế, xã hội và tài nguyên môi trường. Theo GS.TS Thắng, bền vững về mặt kinh tế đòi hỏi việc đáp ứng các nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người; về mặt văn hóa- xã hội đáp ứng mọi nhu cầu như giao tiếp, an ninh và trợ giúp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tiếp cận với các dịch vụ xã hội, đảm bảo chất lượng dịch vụ công và sự tham gia của dân cư vào hoạch định quá trình phát triển; về mặt tài nguyên môi trường sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn nguồn lực tự nhiên, bao gồm cả các hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho hay: Đề án nghiên cứu phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ có 8 nội dung chính và được thực hiện trong 5 năm (2012-2016): Nghiên cứu đánh giá 25 năm phát triển kinh tế vùng (1986-2011); đánh giá thực trạng xã hội- văn hóa trong thời gian qua; thực trạng tài nguyên- môi trường; thực trạng liên kết vùng; đánh giá tổng hợp tài nguyên, môi trường, kinh tế, xã hội theo quan điểm phát triển bền vững; cảnh báo thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp ứng phó; dự báo các xu hướng vận động và các nhân tố tác động đến phát triển bền vững vùng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; quan điểm, phương hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Cũng trong buổi hội thảo, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang đề nghị Viện Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục nghiên cứu đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù cho lúa gạo, cá tra, tôm và trái cây, làm sao giúp người nông dân sản xuất có lãi và góp phần phát triển kinh tế vùng ĐBSCL bền vững trong thời gian tới.
Huỳnh Hải