Nổ lò vôi Formosa: Sự cố có thể xảy ra khi bắt đầu vận hành lò
(Dân trí) - “Sau sự cố môi trường biển, Formosa luôn được kiểm soát chặt chẽ. Nhưng đơn vị nào mới vận hành cũng có thể có trục trặc nhất định. Sự cố với thiết bị, hệ thống lọc bụi là việc có thể xảy ra trong giai đoạn đầu vận hành của lò…” - Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Lê Hồng Tịnh trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội sáng 31/5.
- Hoạt động của Formosa lại gây lo ngại với dư luận khi ngay ngày đầu tiên vận hành lò nung vôi lại xảy ra sự cố nổ ngày hôm qua. UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường đã nhận thông tin, báo cáo về sự việc từ tỉnh Hà Tĩnh và các bộ ngành liên quan?
- Đến giờ, tôi chưa nhận được báo cáo về sự cố nổ lò vôi tại Formosa, mới chỉ nghe thông tin qua báo chí. Còn đương nhiên, sau vụ việc, các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Bộ TN-MT… sẽ phải báo cáo UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường để xem nguyên nhân do vấn đề kỹ thuật hay gì khác. Hôm nay, tôi sẽ về trao đổi với Phó Chủ nhiệm UB phụ trách lĩnh vực môi trường để chỉ đạo việc này.
- Sự cố vẫn tiếp tục xảy ra khi các cơ quan chức năng vừa nêu ra nhiều báo cáo tích cực, khả quan về việc khắc phục các lỗi của Formosa và khẳng định doanh nghiệp đủ điều kiện vận hành. Sẽ có thêm nhiều dấu hỏi chưa thể yên tâm sau sự việc lần này?
- Đơn vị mới vận hành thì cũng có thể có trục trặc nhất định. Sự cố với thiết bị, hệ thống lọc bụi là việc có thể xảy ra trong thời điểm đầu vận hành của lò. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nắm được thông tin cụ thể về sự cố lần này. Chúng tôi sẽ yêu cầu Hà Tĩnh báo cáo để đánh giá.
Với Formosa, Quốc hội cũng luôn có cơ quan giám sát ở địa phương là đoàn đại biểu Hà Tĩnh. Phía doanh nghiệp cũng rất hợp tác. Qua việc xảy ra sự cố ô nhiễm biển lần trước, họ thấy không thể xem thường vấn đề môi trường, nên các đoàn của Quốc hội vào giám sát luôn được tạo điều kiện, cởi mở để các cơ quan nắm được quy trình vận hành của nhà máy.
- Nói về việc Formosa được đưa vào diện giám sát đặc biệt sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, UB Khoa học – Công nghệ & Môi trường tham gia vào việc này thế nào. UB đánh giá sao về những báo cáo mới đây cho rằng Formosa đã khắc phục xong các lỗi, đã đủ điều kiện vận hành?
- UB có tham gia chứ. Chúng tôi giao Bộ TN-MT kiểm soát rất chặt chẽ Formosa bằng các biện pháp làm thêm hồ chỉ thị sinh học. Đây là sự cố lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam, là bài học phải rút kinh nghiệm nên các bộ ngành (như Bộ TN-MT, Bộ Công Thương) cũng quan tâm rất đặc biệt.
UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường cũng thực hiện giám sát qua mạng, giao cho các sở chuyên ngành như Sở Công Thương, Sở TN-MT Hà Tĩnh thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh hiện trạng tại đơn vị để các cơ quan ở đây nắm bắt trên hệ thống.
Đây là một dự án lớn, phức tạp nên cũng phải có đoàn giám sát riêng nữa. Khi Quốc hội không họp, UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường cũng nhiều lần vào giám sát tại hiện trường.
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã cảnh báo cần cẩn trọng với giải pháp này. Còn ý kiến của UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường?
- Liên quan tới việc đưa Formosa vào vận hành, các bộ liên quan như Công Thương, Tài nguyên – Môi trường, những cơ quan tham mưu quan trọng cho báo cáo của Chính phủ có đặt kỳ vọng Formosa sẽ góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Các bộ ngành, Chính phủ thấy doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động nên đưa vào dự báo về tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp.
Việc này đã được kiểm soát chặt chẽ. Còn tất nhiên, vạn sự khởi đầu nan, xảy ra việc lần này là đáng tiếc nhưng khi đã đi vào hoạt động ổn định, nếu mọi việc diễn biến tốt, Formosa sẽ đóng góp đáng kể vào ngân sách, tăng trưởng chung vì dự án có vốn đầu tư tới 10 tỷ USD, sẽ là đầu tàu kéo ngành công nghiệp nặng phát triển lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam.
- Nói như ông có thể hiểu UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường đã thấy yên tâm với việc khắc phục sai phạm của Formosa vừa qua?
- Chúng tôi đã vào tận nơi, giám sát tận nơi. Những yêu cầu đưa ra phía họ làm rất tích cực, hợp tác tốt để khắc phục các lỗi còn tồn tại.
Đời sống người dân trong khu vực giờ cũng tốt hơn nhiều rồi, biển đã nhiều cá trở lại. Mùa vụ vừa qua, thông tin về những chuyến tàu ra khơi trúng lớn rất nhiều, đó cũng là do biển được phục hồi sau một thời gian tạm dừng khai thác.
Còn thực tế, bản chất của các nhà máy thép thường làm sát cảng biển do liên quan tới đặc thù của ngành, thuận tiện cho việc vận chuyển quặng, thành phẩm đi các nơi... Nguyên nhân sự cố ô nhiễm môi trường biển của Formosa hơn một năm trước cũng chủ yếu do thi công xúc rửa hệ thống, đường ống chứ khi nhà máy này chưa hoạt động, nếu tuân thủ các điều kiện về môi trường thì không có vấn đề gì phải lo ngại đâu.
- Vấn đề dư luận đặt ra là có gượng ép không khi tính toán, để giữ được tăng trưởng thì phải tăng thêm sản lượng dầu, phải đưa Formosa vào vận hành. Như vậy có phải là cố ép tăng trưởng bằng mọi giá?
- Formosa thời gian quan nhận quá nhiều sự quan tâm của dư luận nên khi việc gì liên quan cũng sẽ bị “soi” rất mạnh, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng chúng ta thì vẫn nói phải phát triển bền vững, không phải mình ưu tiên chạy theo tăng trưởng mà bỏ qua vấn đề bảo vệ môi trường đâu. Thủ tướng đã kêu gọi, mọi tăng trưởng phải trên cơ sở phát triển bên vững, bảo vệ môi trường.
Thực tế, kinh tế đất nước trong 2 quý vừa qua khiến nhiều người lo ngại vì tăng trưởng thấp nhấp trong 5 năm qua. Cho nên, để phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm thì những tháng còn lại phải tính căn cơ mọi yếu tố, trong đó có hi vọng đến Formosa với năng lực sản xuất rất lớn khi được đầu tư tới 10 tỷ USD. Theo báo cáo của các bộ, ngành, nếu hoạt động tốt, Formosa sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP nên Bộ KH-ĐT đã cộng cả vào để tính cho bài toán chung.
- Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)