Nợ công - Vẫn không đủ cơ sở xác định con số thực
(Dân trí) - Xem xét việc quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Bộ Tài chính khẳng định, tỷ lệ nợ công vẫn trong giới hạn nhưng Kiểm toán nhà nước nêu lo ngại, nợ công tăng nhanh, dư nợ tăng đến 17,1% so với năm trước đó. Cơ quan quản lý cũng chưa cung cấp đủ bằng chứng để xác định số nợ…
Chưa đủ bằng chứng xác định nợ công
Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 đã “ấn định”, bội chi ngân sách là 224.000 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP. Nhưng báo cáo quyết toán vừa trình ra UB Thường vụ Quốc hội, số bội chi “đội” lên 260.000 tỷ đồng, bằng 6,61% GDP.
Về nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến 31/12/2014, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 46,4%, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 38,3%, nợ công bằng 58,0%.
Bộ trưởng Tài chính khẳng định, đây là tỷ lệ trong giới hạn theo quy định của Chính phủ và của Quốc hội.
Về cơ cấu chi trả nợ, báo cáo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ, năm 2014, Chính phủ dự toán 120.000 tỷ đồng nhưng xin quyết toán là 131.900 tỷ đồng, tăng 11.940 tỷ đồng so với dự toán. Khoản tăng chi này được khẳng định chủ yếu do ngân sách địa phương trả nợ khoản huy động vốn trong nước khoảng 12.400 tỷ đồng. Còn ngân sách Trung ương trả nợ 119.000 tỷ đồng, theo đúng dự toán Quốc hội quyết định.
Kiểm toán về nội dung quyết toán ngân sách này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu nhận định, nợ công tăng nhanh, dư nợ tăng đến 17,1% so với năm 2013.
Theo kết quả kiểm toán thì danh mục nợ công có thể bị trùng lắp hoặc chưa đầy đủ khoản nợ công của chính phủ, công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu thống nhất trước khi tổng hợp báo cáo.
Tổng Kiểm toán “than” Bộ tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng bằng chứng để làm cơ sở cho Kiểm toán nhà nước xác định số nợ công đến 31/12/2014.
Kết quả kiểm toán cho thấy, Bộ Tài chính ghi thu, chi vốn vay nước ngoài chưa kịp thời, chưa phản ánh đầy đủ số liệu của quỹ tích luỹ trả nợ và chưa sử dụng tiền nhàn rỗi của quỹ để mua trái phiếu chính phủ theo quy định. Hầu hết các dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản được hình thành từ vốn vay do Chính phủ bảo lãnh nhưng chưa thế chấp tài sản, các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá và lãi suất.
Bên cạnh đó, nhiều dự án vay lại và được chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, phải dừng sản xuất giải thể, phá sản. Một số địa phương không lập kế hoạch vay nợ và trả nợ bố trí đầy đủ ngân sách để trả nợ.
Con số báo cáo về nợ công chưa thống nhất, vẫn gây tranh cãi lâu nay được cho là do công tác kế toán, lập báo cáo thông tin về nợ công phân tán, Kiểm toán Nhà nước không đủ cơ sở xác nhận số liệu.
Không “thương” được nữa
Ngoài ra, chuyện cơ cấu tính nợ công cũng lại một lần nữa đề cập tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo quyết toán ngân sách 2014 gây băn khoăn về khoản tăng chi vượt dự toán từ vốn ngoài nước 36.952 tỷ đồng (gồm cả một số nhiệm vụ chi thường xuyên). Con số này được lý giải là khoản vốn chủ yếu dành cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nên giải ngân cao hơn dự kiến và tăng chủ yếu cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nên theo quy định thì phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng.
10.782,7 tỷ đồng trong khoản tăng chi vốn ngoài nhà nước này là do chuyển đổi vốn ODA từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích, nhấn mạnh thêm, khoản tiền 36.900 tỷ đồng này đã được tính vào nợ công rồi. Đây là một bước minh bạch ngân sách.
Không đồng ý hướng giải trình này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu tách riêng phần bội chi chưa được dự toán đó để Chính phủ báo cáo Quốc hội, nếu Quốc hội đồng ý bổ sung bằng một nghị quyết thì số tăng bội chi đó mới được chấp nhận, còn nếu không được chấp nhận thì phải xử lý.
Tán thành ý kiến này Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “chốt” lại: “Quốc hội đã “thương”, cho qua nhiều lần quyết toán trước với những khoản chi không đúng dự toán. Lần này không thể cho qua được nữa”.
P.Thảo