Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9:
Những giờ phút Đà Nẵng đi vào lịch sử vàng son của dân tộc
(Dân trí) - Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, các cai tù trong tâm trạng hoang mang đã làm ngơ để anh em tù cách mạng thoát ra trở về cơ sở tiếp tục hoạt động. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vừa thoát tù liền được bổ sung vào tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phụ trách Đà Nẵng.
Vừa mới nhận nhiệm vụ thì được tiếp đồng chí Hồng Xích Tâm, thay mặt Trung ương Đảng vào phổ biến chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", chỉ thị chỉ rõ nền móng thống trị của thực dân Pháp vẫn tồn tại, mục tiêu đấu tranh phải nằm vào hai kẻ thù Nhật và Pháp bằng nhiều hình thức linh hoạt như từ bất hợp tác, bãi công, bãi thị rồi đi đến biểu tình thị uy, kể cả vũ trang du kích để sẵn sàng chuyển qua Tổng khởi nghĩa khi có điều kiện.
Những mục tiêu đấu tranh nêu trong chỉ thị như một nguồn sinh lực mới tiếp sức cho phong trào cách mạng ở Đà Nẵng đang đà phát triển. Trung ương lệnh phải tích cực chuẩn bị mọi mặt mà nhất là lực lượng vũ trang vì đó là một khâu trọng yếu khi cách mạng giành chính quyền. Theo đó, lực lượng tự vệ đỏ được nhanh chóng hình thành trong các công sở, xí nghiệp như sở công chính, bưu điện, nông dân, ngư dân ở ngoại thành và cả trong lực lượng hiến binh Nhật.
Đêm đêm các đội tự vệ ra ngoại thành, tránh bọn Nhật và lính Bảo an đi tuần để tập khoa mục chiến đấu, hát vang những bài ca cách mạng. Tiếng hát đã thúc giục nhân dân Đà Nẵng nhanh chóng đứng vào hàng ngũ Việt Minh, chỉ có mấy tháng mà con số hội viên tăng lên khá đông bằng mấy năm về trước.
Để có địa chỉ bí mật, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ thông qua ông Nguyễn Tấn Hà, mua một ngôi nhà tranh gần chùa Tứ Bang (nay thuộc phường Hòa Thuận Đông) làm trụ sở của Ban Chấp hành Việt Minh, rồi cũng từ dưới mái tranh này, những tờ truyền đơn, những lời kêu gọi kháng Nhật của Việt Minh thành phố Đà Nẵng bí mật chuyển xuống các cơ sở khi cách mạng còn trong trứng nước.
Song hành với việc xây dựng lực lượng vũ trang, cách mạng còn vận động được nhà in Cécillon in giúp những tài liệu tuyên truyền cho Việt Minh, sử dụng đề pô xe lửa rèn vũ khí và dập huy hiệu cho đội tự vệ đỏ. Vận động chị em hàng xén ở chợ Hàn để dành vài đỏ, vải vàng để may cờ cho khởi nghĩa khi có lệnh. Đang trong không khí nhộn nhịp, khẩn trương thì được đồng chí Tố Hữu - phái viên của Trung ương Đảng vào phổ biến chủ trương mới, qua nhận định Nhật đang thua trận đồng minh, nên cả nước đã có điều kiện bước vào giai đoạn tiền khởi nghĩa rồi. Các Đảng bộ phải khẩn trương xúc tiến việc chuẩn bị khởi nghĩa để khỏi phải bị động mà bỏ lỡ thời cơ.
Ngày 13/8/1945, cơ sở của ta trong cơ quan hiến binh Nhật báo ra cho đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ biết Nhật đã đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Đồng chí Huệ vào họp ở Quảng Nam báo cho Tỉnh ủy biết tin đó. Tỉnh ủy lệnh xuống các huyện đồng loạt khởi nghĩa mà không gặp một sự chống trả nào của Nhật và bọn lính Bảo an của chính quyền bù nhìn cấp huyện của Nhật. Tin đó bay về Đà Nẵng ai cũng náo nức đợi chờ.
Ngày 16/8/1945, tại nhà ông Nguyễn Đăng Khoa ở kiệt 6 Hoàng Diệu bây giờ, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ họp Ban Chấp hành mở rộng để bàn kế hoạch giành chính quyền ở Đà Nẵng, cố tìm ra mọi biện pháp sao cho khởi nghĩa thành công mà không tốn máu xương vì còn 5.000 lính Nhật đang đồn trú ở Đà Nẵng. Hội nghị bầu đồng chí Lê Văn Hiến đứng đầu. Đang trong không khí rộng ràng chuẩn bị khởi nghĩa thì một nhóm tay sai của Nhật do Mai Trọng Tánh cầm đầu, mượn danh nghĩa Việt Minh huy động quần chúng biểu tình, tranh giành chính quyền với ta. Đồng chí Trác chỉ đạo đồng chí Lê Tiến bắt tên Tánh, phá tan âm mưu xảo quyệt của bọn chúng.
Tối ngày 25/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa cùng họp ở nhà ông Khoa. Đến 24 giờ, đồng chí Lê Văn Hiến, từ Quảng Ngãi về tiếp tục bàn công việc khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa giao cho đồng chí Lê Văn Hiến trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng Lâm thời Đà Nẵng (Thành Thái Phiên) như phương án đã chuẩn bị trước. Để thống nhất hành động, Ủy ban quyết định lấy giờ phát tiếng còi tầm của Sở Bưu điện vào sáng ngày 26/8/1945 làm lệnh khởi nghĩa cho toàn thành phố. Đúng 8 giờ sáng, tiếng còi tầm rú lên, lập tức các lực lượng khởi nghĩa từ các xã, công sở, nhà máy đều đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Nhật án binh bất động, không có hành động gì tchống đối cách mạng. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp các công sở và các nẻo đường trong thành phố.
Lực lượng tự vệ đỏ cầm súng, cầm gươm đứng giác hiên ngang bảo vệ cơ quan, công sở. Bộ máy hành chính cũ bị xóa bỏ, ban điều hành đã phân công từng thành viên trong Ban Chấp hành Việt Minh vào tiếp quản các công sở trong thành phố. Tại Tòa đốc lý, đồng chí Lê Văn Hiến tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn. Nguyễn Khoa Phong bị quản chế. Chỉ sau 1 giờ mà lực lượng cách mạng chiếm lĩnh được toàn thành phố. Khắp nơi, loa truyền thành lanh lảnh phát tin cuộc khởi nghĩa của nhân dân Đà Nẵng đã thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 28/8/1945, Ủy ban Cách mạng Lâm thời của thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc mít-tinh mừng thắng lợi tại Sân vận động Chi Lăng, có đến 2 vạn người đến dự. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ thay mặt Mặt trận Việt Minh công bố các chính sách của Việt Minh. Đồng chí Lê Văn Hiến thay mặt Ủy ban Cách mạng Lâm thời giới thiệu các thành viên của ủy ban cấp thành phố. Cuộc mít-tinh chia thành nhiều đoàn biểu tình tuần hành qua các phố Đà Nẵng không còn là đất nhượng địa (ville da Tourane) của Pháp nữa.
Khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng thành công đã đi vào lịch sử vàng son về cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Phạm Thành Nghi