Những chứng tích gắn liền với Cách mạng tháng 8 tại Hà Tĩnh
(Dân trí) - Cách đây 70 năm, Hà Tĩnh là 1 trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh vẫn còn lưu lại một số chứng tích của ngày lịch sử trọng đại này.
Can Lộc là địa phương giành chính quyền sớm nhất trong toàn tỉnh vào ngày 16/8/1945.
Đầu tháng 8/1945, Đại hội đại biểu Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh đề ra những công việc cần làm, đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị đã chia hai tỉnh làm 6 phân khu để chỉ đạo. Can Lộc là một trong nhũng huyện thuộc phân khu Nam Hà (gồm: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, thị xã Hà Tĩnh).
Rạng ngày 16/8/1945, ban lãnh đạo Việt Minh huyện Can Lộc mở hội nghị cán bộ toàn huyện tại xã Ốc Khê để truyền đạt chủ trương, bàn bạc kế hoạch khởi nghĩa. Chiều ngày, 16/8/1945, gần 20 thanh niên trong tổ chức Thanh niên cứu quốc đã xông vào huyện đường, treo cờ đỏ sao vàng, buộc tri huyện Đặng Doãn phải giao nộp ấn tín.
Nền huyện đường Can Lộc, trước đây thuộc xã Trảo Nha cũ nay thuộc thôn Nam Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc. Ngày nay, dấu tích xưa chỉ còn một phần nền xi măng, với tấm bia khắc sự kiện lịch sử gắn liền với khu di tích.
Đây còn là chứng tích của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 -1931. Vào ngày 7/9/1930, hơn 1.000 nông dân từ 5 tổng trong huyện gồm: Nga Khê, Phù Lưu, Nội Đoài, Ngoại Đoài, Lai Thạch mang cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu đấu tranh kéo về chiếm huyện đường. Tại đây, nhân dân đã biểu tình đòi thả tù chính chính, làm tê liệt bộ máy tàn bạo của thực dân phong kiến.
Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được tung bay hiên ngang trên nóc huyện đường - khẳng định sự sụp đổ của chính quyền bù nhìn và quyền làm chủ nhân dân huyện Can Lộc trên chính mảnh đất của mình. Sau khi treo cờ tại huyện đường, nhóm thanh niên tiếp tục kéo lên đồn binh Nghèn để tước vũ khí của lính bảo an. Mặc dù, đồn trưởng và các binh lính đã được Việt Minh tuyên truyền giác ngộ, song chưa nhận được lệnh khởi nghĩa nên không chịu giao súng và cử người xin chỉ thị của ban lãnh đạo Việt Minh.
Đồng chí Ngô Đức Mậu - thanh viên ban lãnh đạo Việt Minh huyện đã đến để giải quyết sự việc. Sau đó, lá cờ đỏ sao vàng lần thứ 2 tiếp tục được kéo lên tại cột cờ đồn binh Nghèn. Đêm hôm đó, đội lính bảo an được tạm giao làm nhiệm vụ bảo vệ đồn sở và huyện đường với danh nghĩa mới: đội quân cách mạng.
Hiện nay, lá cờ đỏ sao vàng vẫn còn được lưu giữ tại bảo tàng huyện Can Lộc (thị trấn Nghèn).
Đền Ngọc Mỹ (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà) không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư, di tích tưởng nhớ đến danh nhân Đặng Tất, đây còn là chứng tích gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Phù Lưu dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Vào những năm 1930 - 1931, do vị trí thuận lợi về giao thông có bến Cầu Trù, tiếp giáp đường liên tổng, nơi giao lưu thông thương giữa vùng Hạ Can với tổng Canh, tổng Vịnh của Thạch Hà nên đền Ngọc Mỹ và đình Đỉnh Lự (Hồng Lộc, huyện Lộc Hà) là nơi các chiến sỹ cách mạng tiền bối chọn làm địa điểm tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác- Lê nin, cách mạng tháng 10 Nga cho nhân dân Can Lộc. Từ đó tạo ra những chuyển biến mới cho phong trào cách mạng vùng Hạ Can.
Tháng 11/1930 tại cổng đền Ngọc Mỹ và tuyến đường Cầu Trù, Chợ huyện đã diễn ra cuộc biểu tình của nông dân Phù Lưu và Hạ Can chống khủng bố trắng. Chiến sỹ Đặng Văn Mãi, người xung phong hàng đầu đã bị giặc giết hại. Lễ truy điệu liệt sỹ Đặng Văn Mãi ở đền Ngọc Mỹ đã biến thành cuộc biểu dương lực lượng của nông dân Phù Lưu, vạch trần tội ác của thực dân phong kiến.
Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh thành lập. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đại Ngọc, Phù Lưu là nơi hình thành Tổng bộ Việt Minh sớm nhất. Đền Ngọc Mỹ được chọn làm nơi hoạt động, phát tài liệu, lập ban kinh tài, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang khi thời cơ đến.
Ngày 15/8/1945, tại đền Ngọc Mỹ, cán bộ Việt Minh treo cờ Tổ quốc, tổ chức mít tinh thị uy, kêu gọi nhân dân tổng Phù Lưu nổi dậy cướp chính quyền. Ngày 16/8/1945, diễn ra cuộc biểu dương lực lượng của nhân dân cả tổng, Mặt trận Việt Minh tuyên bố thành lập chính quyền dân chủ nhân dân. Đền Ngọc Mỹ trở thành trụ sở hành chính của Chính quyền Cách mạng Lâm thời, địa điểm làm việc của các tổ chức như Nông hội cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc..
Sau cách mạng tháng 8/1945 đến năm 1954, đền Ngọc Mỹ là địa điểm mở các lớp học bình dân học vụ, cứu tế và cải cách ruộng đất trong cuộc chiến chống giặc đói, giặc dốt và chi viện cho mặt trận; là nơi chính quyền cách mạng cổ động phong trào thi đua yêu nước đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
Phượng Vũ