Cụ ông 100 tuổi hồi tưởng ngày nhân dân Hà Tĩnh giành chính quyền

(Dân trí) - Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ Ngô Đức Mạch (100 tuổi) trú tại khối phố 1B, thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) vẫn còn nhớ như in hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong ngày giành chính quyền đúng 70 năm trước của nhân dân huyện Can Lộc.

Theo lời chỉ dẫn của một cán bộ huyện, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của chiến sĩ tiền khởi nghĩa Ngô Đức Mạch. Cụ Ngô Đức Mạch hiện đang ở với người con gái út trong một ngôi nhà nhỏ, sâu trong ngõ của thị trấn Nghèn.

Thấy người lạ hỏi chuyện cũ, cụ Mạch vô cùng xúc động hồi tưởng về những ngày tháng 8 lịch sử, cách đây tròn 70 năm.

Lần theo những mốc lịch sử qua lời kể của cụ Mạch, cuộc khởi nghĩa dành chính quyền 70 năm trước của nhân dân Can Lộc dần được tái hiện trước mắt chúng tôi.

 

Cụ Ngô Đức Mạch hào hứng kể lại câu chuyện giành chính quyền 70 năm trước của nhân dân Can Lộc.
Cụ Ngô Đức Mạch hào hứng kể lại câu chuyện giành chính quyền 70 năm trước của nhân dân huyện Can Lộc.

 

Sinh ra trong một gia đình tại làng Tập Phúc, xã Trảo Nha (nay là khối phố 1B, thị trấn Nghèn), chàng trai trẻ Ngô Đức Mạch (SN 1916) đã sớm giác ngộ Cách mạng. Tháng 2/1945, Ngô Đức Mạch tham gia vào mặt trận Việt Minh hoạt động bí mật tại huyện Can Lộc.

Nhớ lại tình hình lúc đó, ông bồi hồi kể lại: “Sau ngày ban lãnh đạo Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh được hình thành (19/5/1945), tổ chức Việt Minh ở Can Lộc được ra đời và phát triển khá nhanh. Tháng 7/1945, ban lãnh đạo Việt Minh huyện Can Lộc được thành lập gồm các đồng chí: Trần Đại Quả, Lê Hồng Cơ, Thân Đồng Minh Nguyễn Cứ, Mai Cát, Ngô Đức Thắng, Ngô Đức Mậu, Nguyễn Huy Tần do đồng chí Trần Đại Quả đứng đầu. Thời điểm này, tổ chức Việt Minh ở Can Lộc phát triển từ huyện xuống các tổng, các làng thu hút gần 1000 hội viên”.

 

Mặc dù đã 100 tuổi nhưng cụ Mạch vẫn khá tinh anh
Mặc dù đã 100 tuổi nhưng cụ Mạch vẫn khá tinh anh

 

Trong thời gian này, ông Mạch được phân công làm nhiệm vụ liên lạc với các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và liên lạc với các tổng ủy. Công việc của ông đi tối ngày, phương tiện đi lại chính là đôi chân của mình. Ngoài ra, ông còn vận động, tổ chức thành lập các tổ chức Việt Minh như nông dân, tự vệ, thanh niên cứu quốc nhưng đặc biệt là cũng cố lực lượng tự vệ - lực lượng nòng cốt để cướp chính quyền.

Sau khi phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh, trong 2 ngày 14 và 15/8, một cuộc họp bí mật đã được tổ chức tại Cẩm Xuyên để bàn về kế hoạch khởi nghĩa.

Theo cụ Mạch, từ tối 14/8, tự vệ các xã đã có lệnh tập trung, bao vây các ngả đường. Lực lượng thanh niên cũng tuyên truyền quan điểm cách mạng tại đồn bảo an và huyện đường. Không khí cách mạng sục sôi trong từng làng, tổng, nhất là trong tầng lớp thanh niên.

Ngày 16/8, ban lãnh đạo Việt Minh huyện Can Lộc đã họp bàn để chuẩn bị kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền.

Chiều ngày 16/8, một nhóm thanh niên gồm 20 người đã xông vào huyện đường buộc tri huyện Đặng Doãn giao nộp ấn tín, sổ sách và tuân thủ vô điều kiện các yêu cầu và treo cờ đỏ sao vàng tại huyện đường. Sau đó, đoàn tiếp tục kéo lên đồn để tước vũ khí của lính bảo an. Sau khi bàn giao vũ khí, lá cờ đỏ sao vàng lại một lần nữa tung bay trên cột cờ đồn binh ở Nghèn. “Đó là lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang bay phấp phới trên bầu trời huyện Can Lộc. Anh em chúng tôi đứng từ xa nhìn thấy lá cờ mà xúc động vô cùng khi là những người chứng kiến giây phút lịch sự ấy. Cảm giác nhân dân thực sự là người làm chủ trên chính mảnh đất của mình”, ông Mạch xúc động.

“Trong chiều hôm đó, tri huyện Doãn bị bắt trói ở đồn, khi tôi vào thăm thì thấy ông ấy quỳ gối, chắp tay cầu xin đừng giết, tôi chỉ bố trí cho ông ấy ăn uống chứ không làm gì”, cụ Mạch nói.

Sự kiện này đã mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh.

Chưa dừng tại đó, ngay trong sáng 17/8, một cuộc mít tinh chưa từng có với sự tham gia của hàng nghìn người thuộc các xã kéo đến sân vận động. “Từ khắp các ngả đường, cờ đỏ sao vàng rợp trời, nhân dân tấp nập đều đổ về sân vận động huyện. Dân đói thì đói nhưng nghe nói đi cướp chính quyền thì đi ngay”, giọng ông hào hứng.

 

Thị trần Nghèn - huyện Can Lộc
Can Lộc là địa phương giành chính quyền đầu tiên tại Hà Tĩnh

 

Tại đây, mọi người phấn chấn nghe Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố chính quyền bù nhìn đã bị đánh đổ, chính quyền Cách mạng huyện được thành lập đo đồng chí Lê Hồng Cơ làm chủ tịch. Mọi người vui mừng cùng hô vang khẩu hiệu, diễu hành qua các huyện lỵ rồi chúng tôi bắt đầu phân tán lực lượng cùng với nhân dân về các làng tịch thu triện bạ của tổng lý, lý trưởng, thành lập chính quyền mới.

Tiếp sau Can Lộc là các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên (ngày 17/8), Kỳ Anh, Đức Thọ, Thị xã Hà Tĩnh ngày 18/8) và Hương Sơn, Hương Khê (ngày 21/8). Như vậy chỉ trong vòng có 6 ngày từ ngày 16 đến ngày 21 tháng 8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh đã thắng lợi.

Ngày 16/8/1945 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Phượng Vũ