Quảng Ngãi:
Nhìn lại 40 mùa xuân hòa bình
(Dân trí) - Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi, đánh dấu mốc son lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và giải phóng Quảng Ngãi. Trải qua 40 mùa xuân hòa bình, nhân dân Quảng Ngãi gượng dậy, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Mốc son lịch sử
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973, quân đội Mỹ và chư hầu buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức củng cố ngụy quân, ngụy quyền, liên tiếp mở các cuộc càn quét và lấn chiếm vùng giải phóng của ta.
Cuối tháng 1/1975, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị và chủ trương của Khu ủy V về việc "tiến công địch trong năm 1975, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam", Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra Nghị quyết, quyết tâm đánh bại hoàn toàn kế hoạch Bình định của địch, tiến lên giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi.
Trong lúc Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi đang ra sức chuẩn bị lực lượng thì bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên (4/3/1975), tiến đến giải phóng Thị xã Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) vào ngày 10/3/1975. Tiếp đó, từ ngày 14/3 đến ngày 3/4/1975, quân ta tiến công tiêu diệt nhiều vị trí quan trọng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên.
Tại Quảng Ngãi, sau khi địch thất thủ ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên, theo mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy tiền phương Quân khu V và Ban Chỉ huy chiến dịch của tỉnh. Vào đêm 15 và rạng sáng ngày 16/3/1975, ta chính thức nổ súng, đồng loạt tiến công vào các vị trí trọng điểm của địch.
Trước sự bao vây, tiến công mạnh mẽ từ nhiều hướng của quân giải phóng, đêm 16/3 và rạng sáng ngày 17/3/1975, địch ở Sơn Hà hốt hoảng tháo chạy. Đến ngày 18/3/1975, địch ở Trà Bồng cũng vội vàng tháo chạy. Sau ba ngày đêm, ở khu vực trọng điểm phía bắc Quảng Ngãi, ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và giải phóng một mảng phía Tây và Đông huyện Bình Sơn, chia cắt đoạn Quốc lộ 1 từ Châu Ổ đi Dốc Sỏi, tạo ra thế bao vây, uy hiếp chi khu Quận lị Bình Sơn.
Đến ngày 23/3/1975, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra Chỉ thị: “Đẩy mạnh công kích và khởi nghĩa toàn tỉnh, đánh đổ toàn bộ địch, giải phóng toàn bộ nông thôn, giải phóng thị trấn, thị xã, giành chính quyền về tay nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giải phóng toàn tỉnh”. Đúng lúc này, trong đêm cùng ngày, ta phát hiện địch ở Thị xã Quảng Ngãi bắt đầu tháo chạy, thừa thời cơ, Thường vụ Tỉnh ủy phát Lời kêu gọi và ra lệnh công kích, khởi nghĩa.
Theo kế hoạch, đúng 7h40 ngày 24/3/1975, ta bắt đầu bắn pháo vào tiểu khu, ga Ông Bố, xóm Xiếc (huyện Nghĩa Hành), chi khu Sơn Tịnh, Nghĩa Hành. Các lực lượng vũ trang của ta chiếm lĩnh, chia cắt các chốt, điểm đã định và đoạn Quốc lộ 1 từ thị xã đi Chu Lai (Quảng Nam). Trước sức tấn công của quân giải phóng, địch phải bỏ cứ điểm, chốt đèo Bình Trung (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa) rút chạy về thị xã. Kết hợp với tiến công của các lực lượng vũ trang, quần chúng nổi dậy diệt ác, phá các khu dồn Xóm Xiếc, Phú Bình, Phước Hậu (Nghĩa Hành), khu Bàu Giang, Đá Chẻ (Tư Nghĩa).
Đến chiều ngày 24/3/1975, tiểu đoàn 406 và lực lượng vũ trang huyện Tư Nghĩa đánh chiếm Quận lỵ Tư Nghĩa - sườn bảo vệ phía Tây và Nam thị xã Quảng Ngãi bị hở. Địch ở thị xã Quảng Ngãi, quận lỵ Sơn Tịnh hoang mang, rối loạn tháo chạy ra biển, nhưng bị các lực lượng vũ trang của ta chặn đường ra cửa Cổ Luỹ, buộc chúng phải quay về Thị xã Quảng Ngãi tiếp tục tìm đường thoát thân.
Sau khi kêu cứu Quân đoàn I chi viện không được, 12 giờ trưa ngày 24/3/1975, chuẩn tướng Trần Văn Nhật cùng lực lượng chỉ huy tiểu khu Quảng Ngãi chạy trốn khỏi thị xã Quảng Ngãi bằng máy bay trực thăng. Đến chiều, ngụy quân, ngụy quyền ở các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa đều chạy về thị xã và đến 20 giờ ngày 24/3/1975 địch bắt đầu rút chạy khỏi Thị xã Quảng Ngãi.
Đúng như dự định từ trước, khi phát hiện địch sắp tháo chạy về hướng Chu Lai, vào lúc 23 giờ ngày 24/3, ta kịp thời bố trí trận địa dài 15km tổ chức bao vây, chia cắt địch tiêu diệt gần 600 tên và bắt sống trên 2.000 tên.Lá cờ đỏ sao vàng tung bay vào ngày 24-3-1975 tại Cơ quan chính quyền tỉnh Quảng Ngãi.
Sau khi địch rút chạy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy chiến trường ra lệnh cho các lực lượng của ta bên ngoài tiến vào thị xã ngay trong đêm 24/3/1975, phối hợp hành động của nhân dân bên trong nổi dậy tiến hành giải phóng nhà lao, chiếm lĩnh các cơ quan nguỵ quyền, kho tàng, các công sở của địch, dẫn đường cho bộ đội, cán bộ ta truy lùng bọn tàn quân, bắt ác ôn, kêu gọi binh lính địch ra hàng, nộp vũ khí, giữ gìn an ninh trật tự trong thị xã. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã quyết định khẩn cấp thành lập Ủy ban Quân quản thị xã Quảng Ngãi”.
Vào sáng ngày 31/3/1975, hàng vạn nhân dân Quảng Ngãi tập trung tại sân vận động Diên Hồng tham dự cuộc mít tinh chào mừng sự kiện toàn tỉnh được giải phóng và ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Ngãi do đồng chí Đoàn Nhật Nam, Phó bí thư Tỉnh uỷ làm Chủ tịch.
Thành tựu 40 năm trưởng thành
Nhà máy lọc dầu Dung Quất - 1 trong những dự án trọng điểm của Quốc gia hình thành trên quê hương Quảng Ngãi.
Từ hạ tầng công nghiệp lạc hậu, đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có Khu kinh tế Dung Quất (tiêu điểm là dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất), Khu công nghiệp – đô thị và dịch vụ Việt Nam – Singapore (VSIP), Khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong sẵn sàng phục vụ các dự án có quy mô lớn.
Lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi.
Với những thành tựu to lớn đã đạt được, sau 40 năm giải phóng, tỉnh Quảng Ngãi đã mang một diện mạo mới đầy sức sống, trở thành tâm điểm về phát triển công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây. Qua đó, nhân dân và cán bộ tỉnh Quảng Ngãi được phong tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là sự phấn đấu, nỗ lực xuyên suốt không ngừng của cả hệ thống chính trị, quân và dân tỉnh từ năm 1975 đến nay. Tiến tới hoàn thành Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.