Nguyên Thống đốc Ngân hàng: Nợ xấu nào chả là… nợ xấu!

(Dân trí) - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2011-2016, khẳng định việc xử lý nợ xấu không có ưu ái, ngoại lệ. Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu - nguyên Thống đốc giai đoạn 2006-2011 thì lập luận, nợ xấu như hàng tồn kho, nếu việc xử lý chỉ áp cho nợ cũ mà không áp với nợ mới thì khập khiễng.

Ở 2 tổ thảo luận khác nhau về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu chiều ngày 26/5, 2 nguyên Thống đốc tỏ ra khá đồng quan điểm.

Ưu ái với các khoản nợ xấu cũ?

Ông Nguyễn Văn Bình là đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.
Ông Nguyễn Văn Bình là đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Cụ thể, nói về việc nên hay không giới hạn phạm vi các khoản nợ xấu được xử lý trong phạm vi Nghị quyết (những khoản nợ tính đến 31/12/2016), nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình không tán thành.

“Nợ xấu nào chả là nợ xấu! Hôm qua, hôm nay hay ngày mai có phát sinh thì vẫn là nợ xấu, phải chăng nợ xấu hôm trước có gì đặc biệt, quy định như thế phải chăng có gì ưu ái với các khoản nợ xấu cũ?” – ông Bình phân tích.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, việc ban hành dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được báo cáo Bộ Chính trị nên là một uỷ viên Bộ Chính trị, ông đã có điều kiện tham gia góp ý.

Ông khẳng định, ban hành nghị quyết là rất cần thiết, nhưng phải xác định quan điểm và cách thức tiếp cận thực sự đúng đắn, thì mới xác định nội dung phù hợp.

Theo ông, khoảng 10 năm vừa qua, hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng như luật pháp có bước tiến quan trọng, các quy định xử lý nợ xấu đã liên tục hoàn thiện qua các thời kỳ, các nghị định thông tư khá đổi mới và bám sát thực tiễn trong nước cũng như phù hợp tiến trình hội nhập của đất nước. Nhưng mặt bằng pháp lý vẫn chưa thật sự đồng bộ, phù hợp, nên xử lý nợ xấu hết sức khó khăn.

Ông ví von: “Đại biểu Quốc hội khoá trước nói nợ xấu như cục máu đông, hình ảnh đó là rất chính xác, anh em ta đến tuổi mỡ máu nhiều nên tích tụ dần làm đường ống dẫn máu hẹp, huyết áp lên, mạch máu tắc thì tăng xông, nhẹ thì còn chữa được chứ nặng thì đi luôn”.

Cơ chế xử lý nợ xấu cũng tương tự như giải quyết hiện tượng “nhồi máu”, tăng xông như thế. Nguyên lý là làm sao không để nợ tích tụ, xử lý liên tục thì mạch máu liên thông, nền kinh tế sẽ tốt. Đó cũng là lý do, theo Trưởng Ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình, không nên phân biệt nợ phát sinh trước 31/12/2016 để xử lý, sau thời điểm này thì không.

“Trình nghị quyết này, Ngân hàng Nhà nước không có đề nghị ưu ái với nợ xấu ở thời điểm nào. Chúng ta không nên quy định thời điểm ngày giờ nào cả mà nên quy định xử lý nợ xấu theo nghị quyết đến khi nào mặt bằng pháp luật đồng bộ thì chuyển sang làm theo luật” – ông Bình khuyến cáo.

Chỉ xử lý nợ cũ, không “xử” nợ mới là khập khiễng

Ông Nguyễn Văn Giàu là đại biểu thuộc đoàn An Giang.
Ông Nguyễn Văn Giàu là đại biểu thuộc đoàn An Giang.

Ở một tổ thảo luận khác, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thuyết phục, đại biểu cần nhìn nợ xấu toàn diện hơn.

“Thế giới cũng vậy, nợ xấu phát sinh trước hết do môi trường kinh tế, đặc biệt khi suy thoái; thứ hai là môi trường pháp luật và thứ 3 có phần chủ quan trong hệ thống; chứ không nhất thiết chỉ có yếu tố chủ quan. Nợ xấu là mặt trái của hoạt động ngân hàng, giống như anh buôn bán có hàng tồn kho, có hư hỏng, nên nếu Nghị quyết chỉ áp dụng cho xử lý nợ cũ mà không áp dụng với nợ mới thì khập khiễng” – ông Giàu bày tỏ.

Nguyên Thống đốc Giàu nhắc lại sáng kiến áp dụng của ngành ngân hàng từ thời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn làm Thống đốc là phân loại nợ thành các nhóm, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu.

Về vấn đề nhiều đại biểu quan tâm trong dự thảo liên quan đến việc được chuyển nhượng nợ xấu theo giá thị trường, trong đó vừa cho phép đấu giá công khai, vừa cho phép bán theo giá thỏa thuận, dấy lên lo ngại việc lợi dụng trục lợi, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, Bộ Chính trị đã đồng ý cho xử lý nợ theo cơ chế thị trường (tức là có cao, có thấp, có thể thấp hơn giá trị sổ sách), UB Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý, chỉ làm thế nào để đừng xảy ra tiêu cực. Đây là vấn đề cốt lõi.

Về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết đã có nghị quyết liên tịch cách đây 17 năm để siết tài sản đảm bảo, nhưng giờ đã không còn phù hợp do vướng phải những bộ luật có hiệu lực cao hơn như Bộ Luật Dân sự.

“Cho vay, thu hồi nợ là quyền của tổ chức tín dụng - ở nước ngoài như vậy, nhưng nước ta thì không được. Thống đốc đương nhiệm Lê Minh Hưng đề xuất điều chỉnh luật để trả lại quyền của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực này. Quyền ưu tiên xử lý nợ, đặc biệt khi nhiều chủ nợ mà chỉ có một món tài sản, theo Luật Phá sản thì ưu tiên đối tượng khác, còn nghị quyết này thì ngân hàng được thu hồi trước” - ông Giàu nói.

P.Thảo