Người du kích Tây Tiến cuối cùng ở Mường Lát
(Dân trí) - Đội du kích Tây Tiến năm xưa ở Mường Lát giờ chỉ còn 2 người, dù đã ở cái tuổi "gần đất xa trời" nhưng khí chất “oai hùng” của một thời sát cánh cùng bộ đội Tây Tiến vẫn luôn cháy trong tim họ.
Khi Trung đoàn 52 Tây Tiến mở rộng địa bàn hoạt động sang khu vực Mường Lát (Thanh Hóa) ngược sang Lào thì Đội du kích Tây Tiến cũng ra đời.
Đội có 30 người, tất cả đều là thanh niên người Thái bản địa, còn trẻ, khỏe và có tinh thần giác ngộ cách mạng được giao nhiệm vụ làm giao liên hỗ trợ bộ đội Tây Tiến.
Những người lính du kích của Thanh Hóa thuở nào giờ cũng chỉ còn lại 2 người. Đó là cụ Ành (bản Poọng, xã Tam Chung – nay là khu phố 1, thị trấn Mường Lát) và cụ Pém (ở bản Sim, xã Quang Chiểu).
Năm 13 tuổi, cụ Lương Chí Ành tham gia cách mạng. Lúc bấy giờ, cụ Ành được xem là người trẻ nhất tham gia hoạt động trong đội du kích Tây Tiến. Hơn 70 năm trôi qua, vậy mà khi nhắc về những ngày làm du kích phục vụ cách mạng, cụ Ành vẫn còn nhớ như in.
Rồi cụ chậm rãi kể, thời đó, Mường Lát chỉ có một số bản người Thái khoảng hơn chục nóc nhà nằm rải rác dưới chân núi Lát và ven sông Mã, xung quang toàn rừng già, quanh năm mây mù bao phủ.
Năm 1947, thực dân Pháp kéo quân về vùng này và cho dựng nhiều đồn bốt, chúng cấu kết với đám lang đạo, cường hào địa phương ra sức bóc lột, hà hiếp dân lành. Đại đội liên tục bị quân Pháp và đám tay sai lùng sục, bắt bớ nên phải chia quân đóng chốt ở khắp nơi trong vùng. Việc liên lạc kết nối với nhau giữa núi rừng mênh mông gặp nhiều khó khăn. Từ đó, đội du kích Tây Tiến được thành lập với 30 người.
“Tôi là người trẻ nhất trong đội nên được giao nhiệm vụ đi thám thính, nghe ngóng thông tin trong vùng. Thời đó, quân Pháp và tay sai thường hay từ Mường Xôi (huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn) xuôi Pá Hộc (xã Tam Chung nay là Nhi Sơn) để lùng sục, truy tìm bộ đội. Thấy tôi nhỏ tuổi nên bọn chúng không nghi ngờ, tôi thường đi thám thính nhiều các bản người Mông, bản Thái xem có người nào khả nghi hay có quân Pháp thì về báo cho bộ đội” – cụ Ành nhớ lại.
Thời đó bộ đội không ở với dân mà dựng lán trại ở trong rừng để tránh bị phát hiện bởi vậy mà ngoài nhiệm vụ giao liên, cụ Ành cùng đồng đội có nhiệm vụ tới các bản kêu gọi người dân góp lương thực nuôi bộ đội.
Với cụ Lương Văn Pém (SN 1930, bản Sim, xã Quang Chiểu) thì những kỷ niệm, những gian khổ, hiểm nguy trong những ngày làm du kích không bao giờ cụ có thể quên được. Cũng bởi hoàn thành nhiệm vụ được giao mà cụ đã tự hào được gặp Bác Hồ, được Bác tặng quà. Cụ bảo, kỷ niệm ấy, kỷ vật ấy là báu vật của cuộc đời mình.
“Cách mạng tháng Tám thành công, tôi theo học ở lớp bình dân học vụ. Năm 1947, khi Trung đoàn Tây Tiến đến, cái bụng mình rất thương bộ đội, nên xin đi làm du kích. Khi ấy, bộ đội Tây Tiến về đóng quân chỗ bản Poọng, Sài Khao (xã Tam Chung) bây giờ. Ngày đó đồng bào còn vất vả lắm. Đói ăn, đói muối, sốt rét rừng, thú dữ hành hạ” – cụ Pém nhớ lại.
“Bọn lính Pháp, bọn làm tay sai cho thực dân Pháp lùng bắt cán bộ, bộ đội mình. Thương cán bộ, nên việc gì giúp được là tôi làm ngay, không sợ gì hết. Tôi chỉ đường cho bộ đội hành quân, mang muối, gạo, thuốc men, thư, súng đạn cho cán bộ, rồi chăm sóc người bệnh, tìm cây thuốc cho bộ đội uống, nên các anh tin lắm. Sau đó, bộ đội dạy cho học chính trị, huấn luyện bắn súng, ném lựu đạn, gài mìn, làm bẫy đánh Pháp. Nhờ có bộ đội giúp đỡ, tôi cùng 22 anh em khác được làm du kích, làm cách mạng và trưởng thành từ đó”.
Là người địa phương nên dọc tuyến đường từ Tam Chung, qua Tén Tằn, Quang Chiểu rồi sang Lào, cụ Pém thuộc như lòng bàn tay, biết rõ nơi nào nguy hiểm, lối nào an toàn.
Cụ kể lại: “Bản Lát có 38 hộ thì 10 người vào du kích, bản Poọng 27 hộ thì có 7 người theo bộ đội. Anh em chỉ biết nhau thôi, còn mỗi người ở một nơi làm cách mạng. Lần một đồng chí bộ đội tên Liễn bị giặc bắt, chúng hò hét, giải đi qua con đường này, tôi nhận ra anh ngay. Hai anh em đưa mắt nhìn nhau, rồi tôi tựa lưng vào vách núi tránh đường. Lần ấy tôi đang giấu hai quả lựu đạn trong lưng để chuyển cho bộ đội, nên cần giữ bí mật”.
Trong những năm công tác sau này, cụ Pém còn được ra Hà Nội dự đại hội “Bảo vệ trị an toàn miền Bắc” năm 1963-1964, cụ vinh dự được gặp Bác Hồ, được Người hỏi thăm và tặng quà.
“Tại hội nghị đó Bác Hồ đã nhắc đến xã Quang Chiểu, dù là xã biên giới còn nhiều khó khăn nhưng đã làm tốt công tác trị an. Rồi Bác hỏi có ai ở Quang Chiểu không, khi tôi đứng lên thì Bác đã tuyên dương tôi trước cả hội trường. Rời thủ đô, Bác còn tặng tôi 1 chiếc đèn pin, 2 đôi pin và 4 m vải lụa. Đó là những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên” – cụ Pém kể trong niềm xúc động.
Với những cống hiến to lớn của mình cho cách mạng, cụ Lương Văn Pém và Lương Chí Ành đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý và là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ con cháu ở vùng đất thượng nguồn sông Mã này.
Nguyễn Thùy