Ngày Lương thực thế giới: “Nuôi sống thế giới, bảo vệ trái đất”
(Dân trí) - Theo báo cáo của UN, số người đói trên thế giới đã giảm 100 triệu trong 10 năm qua, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ 1/9 dân số toàn cầu, tập trung chủ yếu ở châu Á. Thế giới vẫn còn hơn 1 tỷ người nghèo, nhiều người trong số đó còn thiếu lương thực.
Sáng nay, 14/10, tại xã Hồng Phong, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 34 và kỷ niệm lần thứ 69 ngày thành lập Tổ chức FAO (16/10/1945). Chủ đề Ngày Lương thực Thế giới năm nay là “Canh tác hộ gia đình: Nuôi sống thế giới, bảo vệ trái đất”.
Buổi lễ có sự tham gia của ông Jong-Ha Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam; bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan Phụ Nữ của Liên Hợp Quốc (UN-WOMEN) tại Việt Nam; ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh; đại diện các Bộ ngành trung ương, các Sở ban ngành của tỉnh Quảng Ninh, người dân huyện Đông Triều ….
Theo báo cáo của Liên hợp quốc vừa công bố ngày 16/9, số người bị đói trên thế giới đã giảm 100 triệu trong 10 năm qua, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ 1/9 dân số toàn cầu, tập trung chủ yếu ở châu Á. Thế giới vẫn còn hơn 1 tỷ người nghèo, nhiều người trong số đó còn thiếu lương thực.
Chủ đề Ngày Lương thực Thế giới năm nay có tầm quan trọng đặc biệt đối với một quốc gia như Việt Nam, nơi hộ canh tác nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức mà người dân phải đối mặt: phát triển sản xuất lương thực bền vững và chấm dứt nạn đói.
Theo báo cáo thường niên “Tình hình Lương thực và Nông nghiệp (SOFA)“ của FAO, có đến 500 triệu trong số 570 triệu trang trại trên thế giới được vận hành bởi các hộ gia đình nông dân.
Người chăm sóc nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới...
“Họ là những người chăm sóc chính nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta. Họ cũng là những người sử dụng nhiều lao động nhất trên thế giới, cung cấp hơn 80% giá trị lương thực, thực phẩm của thế giới, là lực lượng chủ đạo sản xuất ra thực phẩm tươi sống, và trở nên sung túc nhờ sản xuất sữa, chăn nuôi gia cầm và lợn. Tại Việt Nam, hiện có 32 triệu nông dân đang vận hành hơn 23.000 nông trại và sản xuất ra 19,2 triệu tấn ngũ cốc có hạt mỗi năm,” ông Jong-Ha Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam.
Ông Jong-Ha Bae cũng khẳng định rằng: Hộ canh tác nông nghiệp cần sản xuất ra đủ lương thực, không chỉ cho bản thân họ, mà còn cho cả những người dân nông thôn khác không canh tác nông nghiệp hay người dân đô thị. Họ cũng cần tạo ra thu nhập – để có tiền mua những vật tư đầu vào như hạt giống và phân bón, và cũng để đảm bảo cho những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, trong đó có giáo dục cho con em họ, và những nhu cầu thiết yếu khác .
“Vì thời hạn hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đang tới rất gần, chúng ta đang cùng nhau phấn đấu cho một tương lai bền vững không còn đói nghèo mà mọi người đều mong muốn. Các thành viên hộ gia đình chính là những người đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực này. Hộ canh tác nông nghiệp chính là những người đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực này,” Jong-Ha Bae nói thêm.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Việt Nam là một quốc gia mà nông nghiệp có một vị trí rất quan trọng, quyết định việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần tích cực vào giảm đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và tạo điều kiện cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu lao động trong độ tuổi, bằng khoảng 70% lao động của cả nước nhưng chỉ đóng góp 20% trong GDP.
“Để thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, chúng ta cần phải củng cố và tăng cường vai trò của các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp – đơn vị sản xuất nhỏ nhất – cho phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng nơi, và quan tâm đến phụ nữ nông thôn – người đóng góp rất nhiều vào các hoạt động canh tác của hộ gia đình và có vai trò then chốt trong việc đảm bảo nguồn dinh dưỡng cần thiết cho gia đình,” Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.
Trong nỗ lực chung nhằm xúc tiến tăng trưởng kinh tế toàn diện về mặt xã hội và bền vững về mặt môi trường, phụ nữ đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo nguồn dinh dưỡng cần thiết cho các gia đình.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sản xuất nông hộ hiện nay còn nhiều bất cập như: Quy mô sản xuất hộ gia đình ở Việt Nam còn rất manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm chưa đa dạng, 62% hộ gia đình nông thôn vẫn sinh sống bằng nghề nông và đem lại thu nhập cho 57% hộ, chi phí vật tư sản xuất cao, chất lượng không đảm bảo, có nhiều hàng nhái, thị trường tiêu thụ bị động, được mùa mất giá thường xuyên..
“Phụ nữ nông dân trong canh tác hộ có vai trò cao nhưng tỷ lệ được đào tạo thấp, chỉ chiếm hơn 10%. Có tới 70% phu nữ trong nông nghiệp chưa được đào tạo, cơ hội tiếp cận nguồn lực của phụ nữ hạn chế hơn nam giới, tiếng nói chưa được lắng nghe, vai trò ra quyết định chưa được để ý, chính sách hỗ trợ phát triển phụ nữ chưa được chú trọng, thiếu chính sách quan tâm với phụ nữ sinh con ở nông thôn nên họ phải đi làm sớm, nhà trẻ nông thôn gần như ko còn, do vậy đóng góp của chị em giảm và họ phải trông con,” bà Hòa cho biết.
Theo bà Hòa, trong thời gian tới chị em phụ nữ cần tăng cường liên kết để ko chỉ đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực mà còn đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Nhà nước cần hoàn thiện chính sách pháp luật đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn. Bộ NN&PTNT cần có các chương trình hỗ trợ cụ thể cho phụ nữ trong nông nghiệp nhất là hộ sản xuất gia đình.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới năm nay, Ban tổ chức đã trao giải thường cho 5 tác giả đoạt giải trong Cuộc thi viết Quốc gia về “Vai trò của phụ nữ trong canh tác nông nghiệp hộ gia đình”.
Thảo Nguyên