“Nêu thông điệp liêm chính, tôi tin Thủ tướng là người gương mẫu thực hiện”
(Dân trí) - Trao đổi về những đòi hỏi đặt ra với Thủ tướng Chính phủ trong một nhiệm kỳ công tác mới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, khi người đứng đầu Chính phủ nêu thông điệp về quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, ông tin Thủ tướng chính là người gương mẫu về liêm chính.
- Là một đại biểu tái cử, đã từng bỏ phiếu bầu Thủ tướng, phê chuẩn Chính phủ mới ít tháng trước, ông đánh giá thế nào về hoạt động của Chính phủ thời gian qua với thông điệp cam kết xây dựng một Chính phủ liêm chính, phục vụ, kiến tạo mà nhiều người kỳ vọng và đánh giá cao?
- Phải nói rằng cử tri và nhân dân đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thời gian qua. Nỗ lực cao, hành động cũng rất quyết liệt. Nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh hoặc được phát hiện, Chính phủ đã vào cuộc nhanh với các biện pháp, giải pháp chấn chỉnh, khắc phục được áp dụng ngay. Đây là điều được đánh giá cao.
Tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề từ thực tiễn đặt ra liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ, công tác điều hành của Thủ tướng. Giải quyết việc này đòi hỏi một sự đồng bộ chứ nếu chỉ bản thân Thủ tướng quyết liệt thì chưa đủ. Nếu Chính phủ vận động mà cả hệ thống chính trị không vào cuộc, bộ máy từ trên xuống dưới không vận hành đồng bộ thì sự chuyển biến tích cực mang lại cũng không đáng kể.
- Bộ máy quản lý nhà nước có vận hành đồng bộ hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự điều hành của cá nhân Thủ tướng. Gần 4 tháng qua, việc này được thể hiện thế nào?
- Để đòi hỏi trong một thời gian ngắn như thế, cả bộ máy có một sự vận hành đồng bộ là khó. Nhưng tôi cho rằng, đã có sự chuyển động. Sự điều hành của Chính phủ đã tạo ra sự chuyển động trong nhận thức, vận hành của cán bộ, công chức, những người có chức vụ.
Khi Thủ tướng đưa ra một thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính thì đó là một đòi hỏi đặt ra với những người đang nằm trong bộ máy hành chính nhà nước phải làm theo tiêu chuẩn đó. Tôi tin rằng với thông điệp đưa ra như thế, Thủ tướng phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
- Liêm chính là một từ được nhắc đến khá nhiều lần. Thông điệp đó đã được thể hiện bằng hành động như thế nào?
- Cử tri mong muốn những người trong bộ máy lãnh đạo, Chính phủ và các cấp chính quyền phải thực sự là những người liêm chính, trong sạch, có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, tức là bản thân Chính phủ và các thành viên Chính phủ phải là người vô tư, trong sáng thì nhân dân mới tin.
Hiện nay, hàng ngày hàng giờ, người dân vẫn phải tiếp xúc với cán bộ này, cán bộ kia không thực hiện được tinh thần liêm chính như Thủ tướng nói. Những người này phải được phát hiện, chấn chỉnh và xử lý. Chính phủ và Thủ tướng phải quyết liệt để bản thân Chính phủ liêm chính mà Thủ tướng nói phải thể hiện trên thực tế chứ không chỉ là lời nói.
- Muốn xây dựng được Chính phủ liêm chính thì mỗi thành viên phải là người liêm chính. Để chọn bầu được một Chính phủ với các thành viên cùng hành động với tinh thần đó, đại biểu Quốc hội có đủ thông tin để khẳng định người nào liêm chính, xứng đáng để bầu, phê chuẩn trong bộ máy Chính phủ?
- Có nhiều kênh thông tin để bản thân mỗi đại biểu thể hiện quyết định của mình, bầu và phê chuẩn những nhân sự làm một thành viên Chính phủ. Kênh thông tin đó có thể đến từ hoạt động thực tiễn, từ những gì các thành viên Chính phủ thể hiện trong thời gian qua, nhất là khi Quốc hội khoá XIII đã xem xét và lựa chọn trước rồi.
Thứ hai, theo tôi, bản kê khai tài sản của những nhân sự được giới thiệu cũng có thể là một kênh thông tin. Bản kê khai đó thể hiện tính trung thực của người kê khai mà mỗi đại biểu Quốc hội sẽ có sự xem xét, đánh giá cụ thể. Thái độ, cách kê khai tài sản, thu nhập là một trong những yếu tố thể hiện sự liêm chính của mỗi cán bộ, mỗi nhân sự sẽ được xem xét để xác nhận làm thành viên Chính phủ.
- Đòi hỏi về vấn đề này đặt ra với người đứng đầu Chính phủ - người trực tiếp nêu thông điệp về sự liêm chính thế nào, thưa ông?
- Tôi nghĩ Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, khi ông đưa ra thông điệp về quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, tôi tin và nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng tin Thủ tướng là người gương mẫu về liêm chính.
- Nhiều kỳ vọng đang được đặt vào thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu cơ quan hành pháp. Nhưng cũng có không ít những băn khoăn, Chính phủ mới được kế thừa những kết quả cũng như gánh vác đầy đủ những vấn đề để lại của Chính phủ tiền nhiệm. Một việc rất cụ thể đang đặt ra, đang gây bức xúc dư luận là chuyện bổ nhiệm cán bộ của nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ông có ý kiến gì vấn đề này?
- Những vấn đề báo chí nêu là những thông tin cần đề nghị cơ quan chức năng phải nghiên cứu. Một tư lệnh ngành, dù đến giờ không còn là thành viên của Chính phủ mà không thể hiện tinh thần liêm chính, gương mẫu, trong sạch, mà nếu có vi phạm pháp luật thì cũng phải xem xét, xử lý trách nhiệm, cho dù còn ở cương vị công tác hay không. Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo xem xét, xử lý vụ việc một cách khách quan, minh bạch, công bằng, thượng tôn pháp luật.
- Với một bộ máy kế thừa trên nền tảng tình trạng cán bộ được bổ nhiệm, sử dụng kiểu “con ông cháu cha” được cho là rất phổ biến như thế có đảm bảo sự vận hành trong cơ chế mới?
- Một bộ máy liên chính thì phải thể hiện trên cả góc độ con người, góc độ công việc. Như vậy việc xem xét bổ nhiệm cán bộ phải đảm bảo tính vô tư, khách quan, công bằng, chứ không phải vì con ông này, cháu ông kia mà có sự ưu ái. Sự bố trí nào mà có sự ưu ái, không vô tư khách quan thì phải được xem xét, xử lý, phải bị loại bỏ.
Xin cảm ơn ông!
P. Thảo