Quảng Bình:
Mẹ già thắp hương tưởng nhớ con trai hy sinh ở Gạc Ma bên lá cờ Tổ quốc
(Dân trí) - Ngày 14/3, nhiều cựu binh đã tập trung tại nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), nơi an nghỉ của liệt sĩ Trần Văn Phương, một trong 64 người lính đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma để thắp nén hương tri ân, tưởng nhớ đồng đội.
Nghĩa trang liệt sĩ phường Quảng Phúc là nơi đặt phần mộ cả anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) - người đã anh dũng hy sinh khi xông lên cắm cờ Tổ quốc, rồi bị trúng đạn giặc, dù gục xuống nhưng anh vẫn cầm chắc là cờ đỏ sao vàng trên tay.
Trong sáng 14/3, nhiều cựu binh Gạc Ma đã về đây kính cẩn thắp nén hương tri ân đồng đội. Có mặt tại đây từ rất sớm, cựu binh Lê Hữu Thảo (quê ở Hà Tĩnh) cũng như nhiều cựu binh Gạc Ma khác lặng lẽ nghiêm trang cúi đầu chào đồng đội, rồi từ tốn thắp nén nhang tri ân trước phần mộ liệt sĩ Trần Văn Phương với một cảm giác xúc động, khó diễn tả bằng lời.
Cựu binh Lê Hữu Thảo cùng mẹ Hồ Thị Đức thắp nén hương cho liệt sĩ Trần Văn Phương
Lặng lẽ đứng bên phần mộ liệt sĩ Phương, cựu binh Nguyễn Văn Thống (SN 1965, quê ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) ngấn nước mắt, cúi đầu chào đồng đội, rồi bồi hồi chia sẻ: “Mới đó mà đã 28 năm trôi qua, đứng bên mộ Phương, hình ảnh của trận hải chiến trong buổi sáng 28 năm về trước lại ùa về, khiến tôi không thể vơi đi cảm giác buồn bã, đau xót và nhớ những đồng đội. Cầu mong cho linh hồn của 64 anh em được siêu thoát”.
Còn mẹ Hồ Thị Đức (79 tuổi, mẹ của liệt sĩ Trần Văn Phương) xúc động tâm sự: “Hôm ni tui cảm thấy rất ấm lòng vì các đồng đội của Phương đã về đây tổ chức tri ân cho con. Đã 28 năm trôi qua nhưng tôi vẫn không thể nguôi đi cảm giác nhớ con và cũng rất tự hào vì con mình hy sinh vì Tổ quốc”.
Trong cuộc chiến không cân sức trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, khi Trung Quốc bất ngờ tấn công, các chiến sỹ Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma đã nắm tay nhau tạo thành vòng tròn để giữ đảo (sau này trở thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử”).
Thấy phía đối phương quá mạnh, các chiến sỹ Hải quân trên tàu HQ 604 đều nhảy xuống biển, bơi về phía Gạc Ma cùng đồng đội giữ đảo.
Trung Quốc đổ bộ thêm quân, hung hãn xông vào phá “Vòng tròn bất tử” nhằm cướp lá cờ đỏ sao vàng mà lính Hải quân Việt Nam đang chuẩn bị cắm trên đảo Gạc Ma nhưng không thành.
Khi lá cờ được đưa đến cho anh Trần Văn Phương thì anh bị trúng đạn. Dù anh gục xuống nhưng tay vẫn cầm chắc lá cờ Tổ quốc. Cựu binh Lê Hữu Thảo đã lao tới ôm thi thể anh Phương khi thi thể anh đang cuộn trong lá cờ Tổ quốc.
Lính Trung Quốc thấy thế định xông vào cướp cờ, nhưng Trung sĩ Nguyễn Văn Lanh (sau này được phong AHLLVTND) đã nhanh chóng giành lấy và giương cao ngọn cờ. Anh Lanh sau đó đã bị Trung Quốc đâm lén và nã đạn vào người.
Sau khi tàu HQ 604 bị lính Trung Quốc dùng hỏa lực tầm xa bắn khiến cho tàu bốc cháy và từ từ chìm xuống biển, anh Lê Hữu Thảo cùng những đồng đội sống sót lấy giẻ nhét chiếc thuyền thủng đưa thi hài anh Phương và những người bị thương về đảo Cô Lin và bảo vệ suốt đêm cho đến khi về được đảo Sinh Tồn.
Năm 1992, phần mộ của anh Trần Phương được gia đình và đồng đội đưa về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình).
Lịch sử mãi ghi danh liệt sĩ Trần Văn Phương
Trần Văn Phương (sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trach (cũ), nay là ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống cách mạng. Học xong lớp 10, anh vào bộ đội, được cử đi học lớp kế toán trinh sát pháo binh của quân chủng.
Tháng 1 năm 1984, Trần Văn Phương được bổ sung về làm khẩu Đội trưởng pháo thuộc Tiểu đoàn 562, Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân. Qua rèn luyện và công tác, Trần Văn Phương luôn tỏ ra một cán bộ có năng lực và trách nhiệm, được đơn vị cử đi học trường Quân chính Quân khu 7.
Tháng 1 năm 1986, Trần Văn Phương trở về đơn vị, được bổ nhiệm Trung đội trưởng và đề bạt quân hàm thiếu úy.
Đầu tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc cho nhiều tàu chiến khiêu khích và chiếm đóng Chữ Thập và Châu Viên . Lúc này Trần Văn Phương được trên bổ nhiệm Phó Chỉ huy Trưởng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa ).
17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1988, tàu chiến hải quân Trung Quốc kéo đến, gọi loa, buộc tàu Hải quân Nhân dân Việt Nam rời đảo.
Mờ sáng ngày 14 tháng 3, hải quân Trung Quốc hạ xuồng cho lính tiến về phía lá cờ Việt Nam. Trần Văn Phương tổ chức lực lượng, động viên chiến sỹ bình tĩnh, quyết bảo vệ cờ Tổ quốc.
Khi quân Trung Quốc xông vào cướp cờ, không sợ hy sinh, Trần Văn Phương lao vào giằng giật lại lá cờ Tổ quốc. Thấy tính mạng một chiến sỹ bị uy hiếp, anh xông vào cứu, trúng đạn và hy sinh vào ngày 14/3/1988.
Gương anh dũng hy sinh của Trần Văn Phương đã cổ vũ cán bộ, chiến sỹ trên đảo kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Ngày 6 tháng 1 năm 1989, liệt sỹ Trần Văn Phương đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước CHXHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Anh hùng LLVTND Trần Văn Phương ra đi, nhưng lịch sử dân tộc mãi nhớ đến anh bởi câu nói bất hủ:“Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng hải quân anh hùng”.
Đặng Tài