Mạnh dạn với dân chủ trực tiếp

Người dân cần được sử dụng các hình thức dân chủ trực tiếp để thực hiện các quyền vốn có của mình.

Trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 tại Điều 6 có viết: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Việc bổ sung dân chủ trực tiếp cùng với dân chủ đại diện là một nhận thức mới và đúng quy luật.

Dân chủ đại diện có những hạn chế

Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, người dân thực hiện quyền lực và quyền làm chủ của mình chủ yếu là thông qua người đại diện hay nói cách khác là dân chủ đại diện. Tiếng nói của người dân phải thông qua nhiều tầng nấc trung gian như đại biểu HĐND các cấp, cán bộ lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội,… Dân chủ đại diện tuy là một tiến bộ nhưng phần nào hạn chế quyền của người dân, bởi ý chí, nguyện vọng của người dân muốn đến được đúng địa chỉ phải thông qua “bộ lọc” của người khác. Trong nhiều trường hợp, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau như trình độ nhận thức, quan điểm, lợi ích mà người đại diện không làm tròn sứ mệnh là “sứ giả”, thông tin bị bưng bít và bóp méo nên người dân bị thiệt thòi.

Đối với các chính sách vĩ mô, người dân chỉ có thể đóng góp qua hệ thống các cơ quan dân cử, do vậy mà cơ hội để người dân tham gia dân chủ trực tiếp thực ra không nhiều lắm. Do vậy mà người dân cần được sử dụng các hình thức dân chủ trực tiếp để thực hiện các quyền vốn có của mình.
Một buổi chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.HCM. Ảnh: HTD
Một buổi chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.HCM. Ảnh: HTD

Bầu cử trực tiếp để “quan biết sợ dân”

Dân chủ trực tiếp được hiểu là người dân có thực quyền tham gia vào việc xây dựng, hình thành, ra quyết định liên quan đến các chính sách, lựa chọn đường hướng phát triển, lựa chọn nhân sự ở các cấp độ khác nhau. Bằng các hình thức khác nhau mà người dân có thể “trình diễn” ý chí, nguyện vọng và yêu cầu của mình không phải thông qua các khâu trung gian. Các hình thức thể hiện phổ thông nhất của dân chủ trực tiếp có thể là:

Bầu cử trực tiếp ra các chức vụ tổng thống, thống đốc, thị trưởng. Theo đó, các ứng cử viên (thường nhiều hơn một và do các tổ chức đảng, tổ chức xã hội tiến cử qua nhiều vòng tranh cử nội bộ) trình bày chương trình hành động của mình, tiến hành vận động tranh cử thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trên cơ sở đó người dân bỏ lá phiếu chọn ra người xứng đáng nhất. Bầu cử trực tiếp bằng phổ thông đầu phiếu thì các quan chức mới biết “kính trọng” và “biết sợ” dân.

Trưng cầu dân ý. Người dân có quyền khởi xướng và tham gia tự do vào các cuộc trưng cầu dân ý định kỳ hay bất thường. Các cuộc trưng cầu dân ý này có nhiều nội dung khác nhau như góp ý cho một điều luật, bỏ phiếu đánh giá uy tín của một vị quan chức (hay một êkíp) đương nhiệm (theo định kỳ sáu tháng hay bất thường do biểu hiện sa sút uy tín, đạo đức, năng lực). Các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đều có bộ luật trưng cầu dân ý từ những năm 1990. Ở các nước phát triển cao, các quan chức chính phủ thường xin từ chức khi chỉ số đánh giá uy tín xuống thấp dưới 60% trong tổng số cử tri trước đó đã ủng hộ ông/bà trúng cử. Bà Thatcher, Thủ tướng của Anh, xin từ chức khi chỉ số tín nhiệm chỉ còn 47%.

Biểu tình là nhiệt kế

Ngoài hai hình thức phổ biến trên, dân chủ trực tiếp còn thể hiện qua biểu tình. Biểu tình được coi là một nhiệt kế đo nhiệt độ của bầu không khí chính trị-xã hội. Sự bất bình hay tán đồng (biểu tình không chỉ có phản đối mà còn cả ủng hộ) của một cộng đồng dân cư nào đó đều có ý nghĩa chính trị, cho nhà chức trách nhận thấy thái độ của công chúng về một vấn đề hay một con người trong bộ máy của mình. Nó được coi là nhiệt kế đo nhiệt độ chính trị-xã hội. Tuy nhiên, việc tự do biểu tình cũng có mặt trái là nhiều nhóm người lợi dụng dân chủ để tụ tập công kích cá nhân và chính quyền, nhiều kẻ lợi dụng dịp này để đập phá cửa hàng, đốt xe hơi, đánh nhau gây rối trật tự công cộng...

Bên cạnh đó, dân chủ trực tiếp còn thể hiện qua hình thức diễn đàn nhân dân - là nơi mà người dân có quyền bày tỏ ý chí và nguyện vọng của mình một cách công khai. Diễn đàn này mở ra trên báo chí, kênh truyền hình, các diễn đàn ngoài trời ở công viên, quảng trường (ở Singapore, Bangkok, Philippines có rất nhiều địa điểm gọi là “speaker corner”). Ở các diễn đàn này, bất cứ người dân nào cũng được quyền bày tỏ chính kiến của mình (có một số nguyên tắc phải tôn trọng như không được chửi bới lăng nhục, vu khống, lợi dụng diễn đàn chống phá trật tự xã hội). Chính từ diễn đàn này mà chính phủ của ông Lý Quang Diệu đã nhận được nhiều góp ý tốt mà ông gọi là “sáng kiến nhân dân”.

* * *

Tôi cho rằng các yếu tố đảm bảo cho việc thực hiện dân chủ trực tiếp đã chín muồi ở Việt Nam, trước nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, chúng ta hoàn toàn có thể hiện thực hóa thông qua các thử nghiệm từng phần để đi đến thiết chế hóa chúng trong đời sống xã hội.

Dân chủ trực tiếp là bản chất của xã hội hiện đại. Vấn đề không chỉ dừng ở việc nêu ra trong HP như một quan điểm mà quan trọng hơn nữa là chúng phải được thiết chế hóa thành các bộ luật, điều luật, cơ chế hoạt động, hình thức biểu đạt và các loại tổ chức phụ trợ nhằm tạo điều kiện và bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân khi thực hiện các quyền dân chủ của mình.

Một hình thức phổ biến khác của dân chủ trực tiếp là đối thoại với các quan chức nhà nước. Hoạt động này diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau qua talk show truyền hình, diễn đàn trực tiếp qua các cuộc gặp gỡ, qua mạng trực tuyến (online).

Đây là hình thức rất phổ biến của các nhà lãnh đạo ở các nước phát triển. Họ thường xuất hiện trên truyền hình hoặc trên báo chí theo định kỳ hoặc bất thường, chẳng hạn tổng thống Mỹ cứ một tháng một lần nhưng cũng có những tổng thống xuất hiện rất thường xuyên như tổng thống Iran, tổng thống Venezuela. Trong thời gian gần đây sự xuất hiện nhiều hơn của Tổng thống Putin trên truyền hình và đối thoại trực tuyến với nhân dân qua mạng (có lúc ông nhận được hơn 1 triệu câu hỏi) cho thấy nước Nga đã mở rộng dân chủ và Tổng thống Putin đã nhận được sự yêu mến của người dân, chỉ số uy tín của ông lên đến hơn 87%, một chỉ số đánh giá được coi là tuyệt vời đối với các nguyên thủ quốc gia.

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa

Theo PLTPHCM