“Không phải cứ nhiều người có phiếu tín nhiệm thấp mới là tốt”

(Dân trí) – “Lấy phiếu tín nhiệm, cái chính là đánh giá kết quả sao cho chính xác chứ không phải cứ ra kết quả nhiều người thấp mới là tốt” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi trước phiên lấy phiếu tín nhiệm lần đầu với 47 cán bộ cấp cao.

Trong quy trình lấy phiếu có một nội dung nhiều lần đại biểu nhấn mạnh là MTTQ có thể gửi báo cáo nếu cử tri có ý kiến liên quan đến người được lấy phiếu đầu tiên tại Quốc hội, thưa ông?

Quy định có việc này nhưng đến thời điểm hiện tại, không có ý kiến nào của cử tri gửi qua MTTQ để tổng hợp. Mà nếu có việc này thì nguyên tắc là phải gửi trước 20 ngày. Đến giờ đã quá thời hạn đó.

Việc gửi kiểm điểm thực hiện lời hứa hậu chất vấn là công tác thường làm nhưng đến giờ đại biểu vẫn phàn nàn là chưa đủ trong khi đó cũng là một kênh thông tin để đại biểu bỏ phiếu. Có quy định thời hạn cuối cùng về báo cáo này trước phiên lấy phiếu?

Có chứ, đến lúc này đã có rất nhiều Bộ trưởng gửi báo cáo. Tôi đang cho kiểm lại. Chúng tôi cũng đã có công văn nhắc nhở việc này.
 
“Không phải nhiều người có phiếu tín nhiệm thấp mới là tốt”
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: "Đại biểu sẽ dễ nhận ra báo cáo của bộ trưởng nào là biện bạch". (Ảnh: Việt Hưng)

Qua một số báo cáo kiểm điểm đại biểu đã nhận được cũng như báo cáo công tác của người được lấy phiếu gửi từ trước khi khai mạc kỳ họp, nhiều ý kiến băn khoăn vì các báo cáo thực hiện không theo quy chuẩn, tiêu chí chung, có người báo cáo rất cụ thể, có người lại quá sơ sài, đi vào liệt kê công việc. Việc này sẽ làm khó đại biểu khi đánh giá, so sánh?

Đương nhiên là báo cáo có dài có ngắn là bình thường vì khi chất vấn, có thể có ngành ít nội dung phải trả lời hoặc nội dung nào rõ rồi thì thôi, nội dung nào cần sâu hơn thì mới phải làm thêm. Căn cứ vào độ dài ngắn để đánh giá các báo cáo thì khó có thể nói gì. Vấn đề là đi vào nội dung xem đã trả lời đúng các vấn đề được yêu cầu chưa.

Còn nội dung báo cáo công tác như nào thì đương nhiên có hướng dẫn rồi, về việc thực hiện nhiệm vụ thế nào, đạo đức, lối sống ra sao.

Nhiều đại biểu cũng phàn nàn về việc chưa rõ trách nhiệm cá nhân khi ngành chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao trong các bản báo cáo. Bản thân ông có thỏa mãn với những báo cáo này?

Tất nhiên là đại biểu sau khi đọc sẽ biết việc gì có tồn tại, như thế thì sẽ thấy báo cáo thể hiện việc nhìn nhận để rút kinh nghiệm nhưng có những người đọc thì sẽ thấy chỉ là diễn giải, biện bạch.

Chia sẻ với tư cách cá nhân với tư cách đại biểu chứ không phải UB Thường vụ Quốc hội trước phiên lấy phiếu này?

Tôi là đối tượng được lấy phiếu đồng thời cũng là người bỏ phiếu đối với người khác nên cũng phải hết sức suy nghĩ vì mình là người đại diện cho dân, cũng đã đi tiếp xúc cử tri, nhận nhiều tâm tư nguyện vọng của người dân. Hay tiếp xúc với các phiên thảo luận vừa qua cũng phải suy nghĩ xem lĩnh vực nào, ngành gì mà tư lệnh ngành đó hoàn thành tổt để khi cầm lá phiếu cho chính xác và thông qua cả các báo cáo, nghiên cứu rất kỹ. Rồi thông qua cả báo cáo của các thành viên Chính phủ nữa. Tôi nghiên cứu rất kỹ các báo cáo này.

Ông sẽ đặt phẩm chất gì lên hàng đầu khi đánh giá một cán bộ?

Tiêu chí đầu tiên là hoàn thành nhiệm vụ hay không chứ, rồi mới đến phẩm chất đạo đức là yêu cầu song song. Cái quan trọng nhất người ta nhìn vào anh là với tư cách tư lệnh một ngành. Đấy là nhiệm vụ đầu tiên phải làm rõ đã. Anh không làm tốt thì tôi đánh giá anh không hoàn thành nhiệm vụ.

Sát thời điểm tiến hành lấy phiếu, ngay tại Quốc hội, có cảm giác, những cán bộ trong diện lấy phiếu ngay phát ngôn cũng dè dặt, cân nhắc hơn… Ông có nghĩ có những tác động do việc chuẩn bị lấy phiếu mang lại?

Tôi cho rằng đó là quyền của mỗi người. Mỗi người đều có quyền hỏi hay trả lời. Và nếu hỏi đúng thì người ta trả lời chứ không phải vì việc này việc kia. Đó là suy diễn thế thôi.

Còn những lo ngại về việc chạy phiếu, vận động bỏ phiếu. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng có nhận được dấu hiệu nghi ngờ nào? Có biện pháp ngăn chặn nào được đề ra trong quy trình lấy phiếu?

Đến thời điểm này, tôi chưa nhận được thông tin nào về việc đó.

Còn đương nhiên người nào làm thế sẽ mất uy tín vì chỉ cần một đại biểu nào phát hiện ra, có ý kiến thì lập tức người chạy phiếu sẽ mất uy tín ngay lập tức. Đến giờ chưa có góp ý hay phản ánh tới UB Thường vụ về việc đó.

Việc xử lý thì phải trong từng trường hợp cụ thể, không “giả sử” được.

Đại biểu băn khoăn về việc có quá ít thời gian để thảo luận trước khi lấy phiếu. Đại biểu cũng cho rằng nên chất vấn để làm rõ các băn khoăn về một vài người trước khi lấy phiếu. Tại sao quy trình làm lại ngược lại, lấy phiếu trước khi chất vấn?

Việc này đã được bàn nhiều rồi và cuối cùng, để công bằng, thống nhất lấy phiếu trước vì ví dụ có thể 4 đồng chí chất vấn xong lấy phiếu thì các đồng chí chưa chất vấn thì sao. Tốt nhất làm trước để công bằng cho tất cả những người được đưa ra lấy phiếu

Phiếu tín nhiệm được thiết kế theo 3 mức tín nhiệm cao – tín nhiệm – tín nhiệm thấp. Có nhiều ý kiến cảnh báo đại biểu sẽ xuê xoa khi có nhiều mức đánh giá, người ta sẽ chọn đại phương án “tín nhiệm” để không ảnh hưởng gì nhiều?

Đừng đánh giá đại biểu như thế. Mỗi người là đại diện cho nhân dân, cầm lá phiếu phải suy nghĩ lắm chứ có phải không đâu.

Đến lúc này, toàn bộ công tác hậu cần cho phiên bỏ phiếu đầu tiên đã chuẩn bị đầy đủ?

Khâu chuẩn bị đang cố gắng hoàn thành tốt nhất theo quy định, ví dụ thiết kế mẫu phiếu, chuẩn bị danh sách ban kiểm phiếu, các báo cáo. Đây là lần đầu tiên sau 69 năm Quốc hội mới tiến hành việc này, chắc chắn quá trình làm sẽ phải rút kinh nghiệm vì mới chỉ là lần đầu. Tôi tin lần sau sẽ tốt lần sau chắc tốt hơn.

Kinh nghiệm Hà Nội thì kết quả lấy phiếu để phân loại, đánh giá cán bộ chưa rõ ràng, tức việc này chưa đem lại hiệu quả. Lo ngại khả năng việc lấy phiếu tại Quốc hội lần này cho kết quả hòa cả làng không phải không có cơ sở?

Tôi không lo ngại việc đó. Cái chính là đánh giá kết quả sao cho chính xác chứ không phải cứ ra kết quả nhiều người thấp mới là tốt. Đánh giá của đại biểu về đối tượng nào đó là để thấy mức độ hoàn thành nhiệm vụ như nào, ở khía cạnh, góc độ nào đó có thấp hơn một chút thôi chứ không có nghĩa là toàn bộ đều không đạt. Không hẳn là thông qua việc này cứ phải có người nào phải thấp hẳn.

Rõ ràng thực tế công việc điều hành đất nước hiện nay còn nhiều lĩnh vực có sai sót mà nếu kết quả đều tốt cả, ông nghĩ cử tri đánh giá thế nào?

Đó chỉ là xem xét ở một khía cạnh nào thôi. Ví dụ một bộ ngành nhiều lĩnh vực, như phiên thảo luận vừa qua, về việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ thì ngành nào cũng có nhưng không thể chỉ vì một vấn đề sử dụng nguồn vốn này không tốt mà đánh giá người ta không tốt cả. Mỗi ngành có rất nhiều đầu công việc, có rất nhiều gạch đầu dòng, có thể mảng này không tốt nhưng mảng kia tốt thì sao.

P.Thảo