Khắc phục ngay tình trạng bộ, ngành “ngó lơ” nhiệm vụ

(Dân trí) - Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016 “đụng” đến mọi vấn đề nóng của đời sống, từ việc xử lý sự cố môi trường nghiêm trọng làm cá chết trên biển tới việc quản lý phí BOT đường bộ, chấn chỉnh việc thực hiện nhiệm vụ của các Bộ trưởng…

Kiểm soát chặt chẽ môi trường sông, biển

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh thành tập trung rà soát, kiểm tra các nguồn thải vào các lưu vực sông, quản lý, kiểm soát chặt chẽ môi trường sông, biển; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các quy chuẩn về môi trường, các quy hoạch để phù hợp với tình hình thực tiễn và tinh thần của Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Phối hợp với Bộ Ngoại giao bảo vệ, hỗ trợ ngư dân và xử lý nghiêm hành vi đánh bắt hải sản trái phép, xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam.

Rất nhiều vấn đề nóng, áp lực đặt ra cho Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 5.
Rất nhiều vấn đề "nóng", áp lực đặt ra cho Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 5.

Về công tác điều hành, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thường xuyên rà soát chỉ đạo thực hiện các quyết nghị tại các phiên họp Chính phủ, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ kịp thời, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở các thành viên Chính phủ tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, khắc phục ngay tình trạng chậm triển khai hoặc để quá hạn các nhiệm vụ. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ hằng tháng.

Xử nghiêm việc dùng chất cấm trong chăn nuôi

Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường kiểm soát chất lượng giống và vật tư chăn nuôi, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp cũng cần tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp khôi phục đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ hải sản ở các địa phương có sự cố hải sản chết bất thường.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai và giám sát việc thực hiện hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố hải sản chết bất thường, không để người dân bị đói.

Chính phủ thống nhất giao các Bộ Y tế, Nông nghiệp, Công Thương và các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 13 năm 2016 của Thủ tướng về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhất là ở khu công nghiệp. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn, xem xét, xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức ở những nơi để xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm.

Bán vốn nhà nước ở cả DN đang hiệu quả

Chính phủ phân công Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý chặt chẽ các điều kiện an toàn của phương tiện vận tải; kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Bộ này cũng phải tổ chức tổng kết, đánh giá công tác quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

Các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo phương án đã được phê duyệt. Bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ bao gồm cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả, đúng quy định, minh bạch, tránh thất thoát.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị các tập đoàn, tổng công ty chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng về việc triển khai kế hoạch tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, bảo đảm đúng tiến độ, công khai, minh bạch và xử lý nghiêm các vi phạm.

P.T