Phó Chủ tịch nước:

Ít khi chỉ ra được người chịu trách nhiệm việc gây lãng phí, thất thoát

(Dân trí) - Chiều 21/2, chốt lại chương trình làm việc phiên họp thứ 7, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (với tổng mức đầu tư khoảng 2 triệu tỷ đồng đã được Quốc hội duyệt).


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh:  “Điều mà nhân dân và dư luận quan tâm là quy trách nhiệm cho rõ ràng vì vừa qua ít khi chỉ ra địa chỉ, người chịu trách nhiệm”.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: “Điều mà nhân dân và dư luận quan tâm là quy trách nhiệm cho rõ ràng vì vừa qua ít khi chỉ ra địa chỉ, người chịu trách nhiệm”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV đã thông qua tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương 1,12 triệu tỷ đồng (vốn trong nước 820.000 tỷ đồng, bao gồm 260.000 tỷ vốn trái phiếu Chính phủ và vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.

Do mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 giảm khá lớn so với dự kiến ban đầu nên các Bộ, ngành Trung ương và địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong việc điều chỉnh phương án phân bổ chi tiết. Tính đến ngày 17/2/2017, vẫn còn 3 tỉnh là Ninh Bình, Thái Bình, Bình Định chưa gửi phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020.

Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chưa dự kiến phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Báo cáo thẩm tra của UB Tài chính – Ngân sách sau đó đã chỉ rõ, vẫn còn những dự án chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Chủ nhiệm UB - ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: “Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tiếp diễn các tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 như dàn trải, manh mún trong bố trí vốn, dự án dở dang, không hoàn thành do thiếu vốn đầu tư...”.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra một số dự án trong danh mục bố trí vốn chưa thực sự hợp lý, bố trí thiếu vốn so với tổng mứ đầu tư, thiếu thông tin về tổng mức đầu tư, quyết định đầu tư...

Theo đó, cơ quan thẩm tra đề nghị, đối với những dự án tỷ lệ vốn bố trí quá thấp, không đủ khả năng hoàn thành, cần đưa ra khỏi danh mục để tập trung cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020, khắc phục tình trạng phân bổ dàn trải, dở dang ở nhiều dự án.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ sự chưa yên tâm khi còn tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư công. Theo Phó Chủ tịch nước: “Điều mà nhân dân và dư luận quan tâm là quy trách nhiệm cho rõ ràng vì vừa qua ít khi chỉ ra địa chỉ, người chịu trách nhiệm”.

2 triệu tỷ đồng: Thanh toán nợ trước, làm mới sau

Một bất cập khác được chỉ ra là vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản trong hoạt động đầu tư công. Theo số liệu cập nhật đến ngày 15/2/2017, nợ đọng xây dựng cơ bản về cơ bản đã được bố trí đủ nguồn để thanh toán theo quy định và các bộ, ngành địa phương đã bố trí 50.500 tỷ đồng trên tổng số gần 80.000 tỷ đồng vốn ứng trước phải thu hồi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc phân bổ vốn tới đây cần xác định trên tinh thần thứ tự ưu tiên, bố trí thanh toán nợ đọng cơ bản trước tiên, rồi đến thu hồi khoản vốn ứng trước, bố trí vốn đối ứng công trình ODA, PPP và các công trình chuyển tiếp.

“2 triệu tỷ đồng phải tập trung xử lý theo thứ tự đó, số còn lại mới phân bổ cho dự án mới theo Luật Đầu tư công. Kể cả dự án mới thì có phải vẫn cứ dàn trải, nơi nào cũng đầu tư không hay tập trung cho cái gì, nơi nào tạo ra động lực, nguồn lực kích thích phát triển thì ưu tiên” – ông Lưu nói.

Theo tinh thần này, UB Tài chính – Ngân sách cho rằng, để chấm dứt tình trạng bố trí vốn dàn trải, gây chậm tiến độ đầu tư, Chính phủ khi quyết định đầu tư các dự án mới phải thực hiện nghiêm túc điểm c khoản 5 điều 54 Luật Đầu tư công, theo đó, phải bảo đảm bố trí đủ vốn theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.

Về dự kiến bố trí 48.550 tỷ đồng để cấp bù chênh lệch lãi suất, chi phí quản lý và vốn điều lệ cho hai ngân hàng là Phát triển Việt Nam và Chính sách xã hội, trước mắt, cơ quan thẩm tra tán thành việc đưa phần vốn này vào kế hoạch trung hạn. Dù vậy, UB Tài chính - Ngân sách đề nghị chưa phân bổ cụ thể. Chính phủ sẽ xem xét, phân bổ vốn sau khi đã tổng kết, đánh giá cụ thể về mô hình, hiệu quả hoạt động và phê duyệt định hướng phát triển, kế hoạch bố trí vốn điều lệ trong trung hạn của hai ngân hàng, bảo đảm đủ căn cứ, cơ sở, điều kiện theo quy định.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo báo cáo, làm rõ sự cần thiết, căn cứ và phương án tính toán để đề xuất phần vốn dự kiến phân bổ đối với 2 ngân hàng này thể hiện trong kế hoạch đầu tư công được phê duyệt cho trung hạn và hàng năm.

Đồng thời làm rõ việc đề xuất bố trí cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã bảo đảm phù hợp với quyết định của Thủ tướng về việc tăng thêm vốn điều lệ cho ngân hàng này đến năm 2020 chưa, đặc biệt cần chú ý đến tăng trưởng tín dụng, hiệu quả hoạt động, nợ xấu của ngân hàng này.

P. Thảo