Hơn 300 chuyên gia tìm hướng giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Sau 2 ngày trao đổi, hơn 300 chuyên gia quốc tế đã thống nhất kết luận, chỉ có tăng cường hợp tác và cân bằng lợi ích là chìa khóa để đạt được mục tiêu giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mê Công.

Thủy điện là vấn đề đáng lưu tâm

Ngày 4/4, các đối tác phát triển của Ủy hội sông Mê Công sẽ nhóm họp với nhau. Hội đồng Ủy hội cũng sẽ họp trù bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế diễn ra vào ngày 5/4.

Ngày 3/4, Hội nghị quốc tế với chủ đề Hợp tác vì an ninh nguồn nước, năng lượng, lương thực ở các lưu vực sông xuyên biên giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Trong ngày này, các chuyên gia tiếp tục thảo luận xung quanh các chủ đề: Thích ứng biến đổi khí hậu - quản lý rủi ro và các vấn đề an ninh ở lưu vực sông xuyên biên giới; Các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015 ở các lưu vực sông xuyên biên giới; Lợi ích của tham gia hợp tác và đối thoại xuyên biên giới; Hợp tác xuyên biên giới – lợi ích và đánh đổi…

Đáng chú ý trong đó là bài trình bày của bà Nguyễn Thị Thu Linh, thành viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam về tác động của thủy điện dòng chính Mê Công. Bởi lâu nay các nước đã xây dựng nhiều thủy điện trên các dòng nhánh của dòng sông này. Nhưng kể từ khi Lào bắt đầu xây dựng thủy điện Xayaburi và tiếp tục chuẩn bị xây dựng thủy điện Don Sahong trên dòng chính sông Mê Công thì bắt đầu xảy ra nhiều tranh cãi.

Hàng chục triệu cư
dân hạ lưu 
Hàng chục triệu cư dân hạ lưu Mê Công sẽ chịu ảnh hưởng khi hàng loạt thủy điện được xây dựng trên dòng chính (ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, việc xây dựng thủy điện trên dòng Mê Công có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng nếu chỉ xét riêng đối với Việt Nam thì hầu như không mang lại lợi ích nào trừ việc được mua điện năng từ các dự án thủy điện trên. Lợi ích lớn nhất tất nhiên là thuộc về các nước có thể triển khai xây dựng thủy điện trên sông Mê Công như Lào, Thái Lan, Campuchia và cả 2 nước ở thượng nguồn Mê Công không tham gia Ủy hội sông Mê Công là Trung Quốc và Myanma.

Đối với Việt Nam, đoạn sông Mê Công đi qua lãnh thổ là đoạn cuối, không thể khai thác thủy điện mà còn chịu nhiều tác động bất lợi nhất khi xây dựng hàng loạt dự án thủy điện trên dòng chính của sông. Theo ước tính sơ bộ thì hàng chục triệu người sống ở hạ lưu Mê Công sẽ bị ảnh hưởng khi triển khai 11 thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Trải qua 2 ngày hội nghị, các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đều khẳng định việc phát triển thủy điện trên các dòng sông xuyên biên giới như Mê Công là rất đáng lưu tâm vì nó ảnh hưởng đến nhiều mặt, tác động đến nhiều nước.

Hàng chục triệu cư
dân hạ lưu 
Bản đồ các đập nước thủy điện trên dòng chính sông Mê Công (nguồn: Báo cáo đánh giá chiến lược về thủy điện dòng chính sông Mê-Kông - ICEM)

Cân bằng lợi ích các bên trong quan hệ hợp tác

Sau 2 ngày làm việc, hội nghị quốc tế với hơn 300 chuyên gia hàng đầu trong ngành quản lý nước tham dự đã kết thúc và thống  nhất tuyên bố hội nghị. Tuyên bố này sẽ được công bố và báo cáo lãnh đạo 4 nước thành viên Ủy hội sông Mê Công trong chương trình nghị sự chính của Hội nghị cấp cao lần thứ 2 diễn ra vào ngày 5/4.

Trong thông cáo báo chí kết luận hội nghị, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công cho biết, hơn 300 chuyên gia quốc tế đã kêu gọi các chính phủ các nước có dòng Mê Công đi qua cần đối thoại liên tục, tích cực để có giải pháp tốt cho vấn đề khai thác nguồn nước cũng như năng lượng, lương thực khi nhu cầu ngày càng tăng lên.

Các đại biểu kêu gọi nhà lãnh đạo của các nước thành viên Ủy hội sông Mê Công xây dựng những chính sách tích hợp những thách thức và cơ hội ở các lĩnh vực năng lượng, thực phẩm và nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, nếu sử dụng thích hợp các mối liên kết này có thể giúp chuyển đổi những thách thức trong quản lý nước thành cơ hội.

Hàng chục triệu cư
dân hạ lưu 
Sau 2 ngày làm việc căng thẳng, hội nghị đã kết thúc và hơn 300 chuyên gia đã thống nhất tuyên bố hội nghị

Ngoài ra, hội nghị cũng thống nhất là để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong quản lý, khai thác nguồn nước Mê Công thì sự kết hợp của hợp tác kỹ thuật và chính trị là một quá trình cần thiết. Tuyên bố của hội nghị khẳng định cần sự tương tác giữa các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học, tăng cường đối thoại khoa học - chính sách để mang lại lợi ích cho các bên tham gia hợp tác và lợi ích đó phải cân bằng.

Còn theo ông Hans Guttman, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công, hợp tác ở đây không bao giờ chỉ là về nước. Biến đổi khí hậu tạo nên nhiều thách thức và cũng có nhiều cơ hội. Nhưng để biến những cơ hội đó thành hiện thực thì cần sự hợp tác chính trị từ các nước liên quan mới mong mang lại kết quả thực sự.

Sông Mê Công bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc), chảy qua 6 quốc gia gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Nhưng hiện chỉ có 4 nước là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam tham gia Ủy hội sông Mê Công, còn Trung Quốc và Myanmar chỉ là đối tác đối thoại. Do việc quản lý, khai thác Mê Công liên quan rất nhiều đến Trung Quốc và Myanmar nên ông Hans Guttman cũng đề nghị 2 nước này xem xét việc tham gia Ủy hội sông Mê Công trong Hội nghị cấp cao lần này.

Tùng Nguyên