Nghệ An:

Hội thảo “Bối cảnh lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước”

(Dân trí) - Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2011), được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, sáng 4/6 Trường ĐH Vinh đã tổ chức Hội thảo Khoa học "Bối cảnh lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước".

Hội thảo “Bối cảnh lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” - 1
Trường ĐH Vinh tổ chức Hội thảo "Bối cảnh lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước".

Về dự Hội thảo có ông Tề Kiến Quốc, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Trung - Việt; đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An; GS. TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Nghệ An và các đồng chí trong BCH Tỉnh uỷ Nghệ An; Các nhà khoa học, các nhà Sử học, lãnh đạo các trường Đại học, chủ nhiệm Khoa Lịch sử các Trường Đại học trên toàn quốc...

Hội thảo với chủ đề "Bối cảnh lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước", đã làm rõ hơn bối cảnh lịch sử quê hương, dân tộc với thời đại vào thời điểm Bác Hồ bắt đầu hành trình cứu nước; qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ về công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lịch sử dân tộc.

Hội thảo đã nhận được hơn 80 báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Bên cạnh các nhà nghiên cứu sử học, chính trị, văn hóa đến từ các Trường Đại học, Viện nghiên cứu ở Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, hội thảo còn nhận được sự hưởng ứng của các nghiên cứu sinh ở Trung Quốc. Sự quan tâm đông đảo và rộng rãi của các nhà nghiên cứu đã chứng tỏ sức hấp dẫn của Hội thảo, đồng thời thể hiện lòng thành kính, niềm ngưỡng mộ của hậu thế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. NGƯT Đinh Xuân Khoa - hiệu trưởng Trường ĐH Vinh nói: "Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An - mảnh đất "địa linh nhân kiệt", giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Từ thuở ấu thơ, Người đã tận mắt chứng kiến sự bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, nỗi thống khổ của nhân dân lao động và những cuộc đấu tranh anh dũng do các nhà yêu nước tiền bối lãnh đạo. Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của các chí sĩ như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… Nhưng bằng linh cảm chính trị và thực tiễn của phong trào giải phóng dân tộc lúc bấy giờ, Người không tán thành con đường cứu nước của các nhà yêu nước tiền bối, mà ấp ủ một hoài bão ra đi nước ngoài "xem nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào sẽ trở về giúp đồng bào".

Ngày 5/6/1911, con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin rời bến cảng Nhà Rồng mang theo người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với khát vọng tìm kiếm con đường mới để cứu nước, cứu dân. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng không chỉ đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn đối với lịch sử dân tộc ta. Từ năm 1911 - 1920, Người vừa lao động vất vả để kiếm sống, vừa khảo sát cuộc sống và phong trào đấu tranh của nhân dân lao động các nước. Nhờ đó mà Nguyễn Tất Thành nhận thức được: Ở đâu chủ nghĩa tư bản cũng tàn ác, vô nhân đạo, ở đâu nhân dân lao động cũng bị áp bức, bóc lột như nhau. Vì vậy, giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước đều là bạn, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù. Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ Quốc tế Cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước nhảy vọt về chất trong nhận thức tư tưởng, lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc; đồng thời cũng đánh dấu thời điểm Người tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam: đó là con đường cách mạng vô sản".

Hội thảo “Bối cảnh lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” - 2
Hàng ngàn cán bộ, sinh viên đại học Vinh tham dự Hội thảo.

Tại buổi hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản: Yếu tố gia đình, dòng họ và quê hương xứ Nghệ góp phần hình thành nên hoài bão cứu dân, cứu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh; Bối cảnh lịch sử quê hương, dân tộc và thời đại vào thời điểm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; Những dấu ấn của chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An, Huế, Sài Gòn… trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước; Quá trình hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1911 đến 1941 và sự quan tâm của Người đối với quê hương, đất nước; Trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy về con đường cứu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bài báo cáo đề dẫn tại Hội thảo của T.S Trần Đình Thức - Trưởng khoa lịch sử trường ĐH Vinh, phó Chủ tịch hội khoa học lịch sử Nghệ An nhấn mạnh: “Nếu gia đình quê hương là mảnh đất thiêng liêng, là cái nôi hun đúc nên lòng yêu nước, thương dân, khát vọng cứu nước, cứu dân của Người thì Sài Gòn là nơi khởi đầu, là nơi trả lời rõ thêm những câu hỏi tồn nghi của Nguyễn Tất Thành về bản chất của chế độ thực dân, nơi củng cố quyết tâm và góp phần quyết định để Nguyễn Tất Thành lựa chọn phải sang Pháp và các nước phương Tây, chứ không phải hướng về phương Đông như một số nhà yêu nước tiền bối”.

Hội thảo đã không chỉ để kỷ niệm tròn một thế kỷ Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mà còn góp phần làm rõ những vấn đề học thuật liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. Đặc biệt, hàng ngàn sinh viên Đại học Vinh hưởng ứng tham gia, nó là cơ sở là tiền đề cho việc học tập nghiên cứu về lịch sử Hồ Chí Minh nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.

Nguyễn Duy - Điền Bắc

.