Hà Nam thực hiện 3 khâu đột phá để hoàn thành các mục tiêu phát triển

(Dân trí) - Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh ủy Hà Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 10%/năm; Cơ cấu kinh tế là nông, lâm nghiệp chiếm 9,1%, Công nghiệp - Xây dựng 59,3%, dịch vụ 31,6%...

Sáng 23/9, tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã chính thức khai mạc, về dự Đại hội có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ngoài ra có sự tham dự của 326 đại biểu đại diện cho trên 48.000 đảng viên của 10 đảng bộ trực thuộc.

 

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam khóa XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam khóa XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Tại Đại hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và chúc mừng những thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ tới, Hà Nam cần tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển kinh tế. Trong phát triển nông nghiệp cần quan tâm đến công tác bảo quản, chế biến xây dựng thương hiệu hàng hóa thành chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, chất lượng để nâng cao sức cạnh tranh; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để hỗ trợ đầu tư đi đôi với phát huy hiệu quả mọi nguồn lực đóng góp của nhân dân.

Bên cạnh đó, Hà Nam cần tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; tăng cường nâng cao đấu tranh phòng chống lãng phí, tham nhũng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc… để xây dựng Hà Nam ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2011-2015 đạt trên 13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng công nghiệp – xây dựng là 58%, dịch vụ 29,4%, nông, lâm nghiệp giảm còn 12,6%. GDP bình quân đầu người đạt 42,33 triệu đồng/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội.

Nông nghiệp phát triển khá toàn diện với nhiều mô hình, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị có hiệu quả; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư, nâng cấp, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống của người dân được cải thiện. Đến 31/7/2015, toàn tỉnh đã làm được 1.803 km đường giao thông xóm, trên 814 km trục đường chính nội đồng; kiên cố hóa 45,5 km kênh mương; nâng cấp xây dựng mới 2.002 phòng học, 294 nhà văn hóa xóm, 100% xã đạt chuẩn về nhà ở. 90% hộ dân có nước sạch và nước hợp vệ sinh. Phấn đấu đến hết 2015, toàn tỉnh có 25-28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 12 tiêu chí, thu nhập khu vực nông thôn đạt 29 triệu đồng/người, gấp 2,33 lần so với năm 2010.

 

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội

Thương mại, dịch vụ có bước phát triển, chuẩn bị tốt các điều kiện tạo tiền đề đưa Hà Nam trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, giáo dục - đào tạo, du lịch. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng được nâng lên; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, tăng cường ngày càng vững mạnh.

Với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đổi mới định hướng đầu tư và mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng Hà Nam phát triển nhanh và bền vững”, trong giai đoạn 2016-2020, một số chỉ tiêu chủ yếu được đề ra là: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 10%/năm; Cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là nông, lâm nghiệp chiếm 9,1%, Công nghiệp - Xây dựng 59,3%, dịch vụ 31,6%; đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 80,9 triệu đồng/người.

Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, giải quyết việc làm mới bình quân 16.000 lao động/năm; Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,3%/năm trở lên; đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 55%; hàng năm, có trên 87% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá; Đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân thành thị được dùng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 95%, (trong đó sử dụng nước sạch đạt 80%); đến năm 2020, có từ 3 huyện và 65 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; Hàng năm, có trên 80% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh. Trong nhiệm kỳ kết nạp trên 6.500 đảng viên.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Hà Nam sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá. Đó là đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, làm nền tảng để xây dựng Hà Nam phát triển nhanh, bền vững; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách vào thực tiễn của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển bền vững; Nâng cao chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trọng tâm là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền cơ quan, đơn vị.

Đức Văn