Gượng dậy vươn ra biển lớn!
(Dân trí) - “Đóng cửa lại... vòi rồng, đạn lửa tấn công đấy...” - đó là âm thanh mà ngư dân Quảng Ngãi đã hứng chịu từ những chuyến vượt biển vươn ra Hoàng Sa và Trường Sa. Nuốt nỗi đau thương vào lòng, ngư dân lại tiếp tục vươn ra biển lớn bảo vệ quê hương.
Từ tháng 5 đến tháng 12/2015, ngư dân Quảng Ngãi đã hứng chịu 20 vụ tấn công từ phía Trung Quốc. Ngoài ra, có 2 vụ tấn công bằng súng chưa xác định đối tượng. Điển hình nhất là trường hợp ngư dân Trương Đình Bảy (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị bắn chết khi đang hành nghề tại vùng biển Trường Sa.
“Vừa phát hiện có 2 chiếc xuồng máy ập đến, tôi vội vả chạy vào cabin nổ máy thì nghe tiếng bùm... bùm... bùm... Lúc đó, đầu tôi như dựng tóc gáy, tay chân run rẫy và cố nổ máy nhưng bọn chúng đã leo lên tàu rồi. Chứng kiến anh Bảy nằm chết trên vũng máu, tôi chỉ biết khóc, rồi gào thét căm giận bọn người vô nhân tính đó”, thuyền trưởng Bùi Văn Cu kể lại chuyến biển đau thương diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua.
Trong lịch sử bám biển ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa, ngư dân Quảng Ngãi bị tấn công nhiều lần, với các kiểu tấn công khác nhau như đâm nứt tàu cá (bằng gỗ), xịt vòi rồng, bắn đạn cháy, khống chế rồi đánh đập, cướp tài sản,... Sau mỗi chuyến biển nghiệt ngã ấy, ngư dân Quảng Ngãi khép lại đau thương và tiếp tục bám ngư trường truyền thống của tổ tiên.
Ngư dân Quảng Ngãi tiếp tục vươn khơi sau những chuyến biển đau thương.
Đi cùng chuyến biển với cha, anh Trương Đình Đệ (con thứ 2) như chết lặng khi ôm thi thể người cha lênh đênh giữa vùng biển Trường Sa. “Định mệnh cay đắng ập đến gia đình quá bất ngờ, đành chấp nhận sự thật và số phận thôi. Qua 50 ngày cha mất và qua Tết Bính Thân, tôi tiếp tục đi biển trở lại. Chuyến biển vừa rồi hai cha con dự tính gom góp để trả nợ, bây giờ còn mình em đi biển thực hiện nguyện vọng đó của cha thôi”, Đệ chia sẻ.
Trên ngư trường Hoàng Sa, những chiếc tàu cá lần lượt nằm lại đại dương do bị phía Trung Quốc tấn công. Thế nhưng, ngư dân Quảng Ngãi không sợ hãi mà tiếp tục đóng mới tàu cá và tiếp tục bán ngư trường truyền thống. Mới đây, vào cuối tháng 9/2015, tàu cá QNg 90352-TS do ngư dân Đặng Dũng (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) làm Thuyền trưởng kiêm Chủ tàu, bị tàu phía Trung Quốc tông trực diện gây nứt mạn phải khoảng 1m gần khu vực đảo Lưỡi Liềm (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Chưa dừng lại ở đó, người Trung Quốc lên tàu cá khống chế 10 thuyền viên, cướp toàn bộ tài sản (2 tấn hải sản, máy dò, máy định vị, bộ đàm, bành dây lặn). Đến tối ngày 29/9, tàu cá QNg 90352-TS bị chìm và may mắn được tàu cá gần đó cứu vớt, 10 ngư dân an toàn.
Thuyền trưởng Đặng Dũng quả quyết nói: “Bao nhiêu tài sản nằm lại dưới đại dương theo chiếc tàu đó, nếu không ra Hoàng Sa, tôi và anh em ngư dân sẽ nhớ biển lắm. Dù có gánh nợ chồng chất, tôi vẫn tiếp tục vay mượn đóng tàu mới và ra lại mái nhà ở Hoàng Sa”.
Trên ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa và Trường Sa, ngư dân Quảng Ngãi vẫn miệt mài bám biển, mang những chuyến tàu đầy áp hải sản tô điểm thêm mùa xuân ấm no cho đất nước. Còn đó những hiểm nguy trên biển, họ vẫn hiên ngang gượng dậy tiếp tục vươn ra biển lớn, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khoan thăm dò và định vị Hoàng Sa thì đêm 27/5, chúng tôi gồm hơn 30 phóng viên của các báo trong nước và quốc tế từ Đà Nẵng tới “tọa độ nóng” này. Con tàu Cảnh sát biển 2013 rẽ biển đêm khi trên mình của nó vẫn hằn in đầy thương tích do những lần “tao ngộ chiến” với tàu Trung Quốc. Sau hơn 10 giờ lênh đênh trên biển đến khoảng 10h30 trưa ngày 28/5, chúng tôi tới vùng biển Hoàng Sa. Ở đó mỗi vị mặn của nước biển mà tôi cảm nhận, dường như đều thấm đẫm máu, xương của cha ông ta bao đời nay đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
PV Tuấn Hợp
Đặt chân lên những hòn đảo ở Trường Sa, ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi có lẽ là nụ cười tươi rói luôn thường trực trên những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của lính đảo. Gặp vô vàn khó khăn giữa biển nước mênh mông nhưng các chiến sỹ luôn vững tay súng canh giữ biển đảo quê hương, luôn giữ cho mình một tâm hồn yêu đời, tươi vui. Trong những chiến sỹ ấy không ít người đang thẳng bước trên con đường học tập, làm việc nhưng đều gửi lại đất liền, khoác lên mình màu xanh áo lính. Trong mỗi người lính ấy, tình yêu tổ quốc luôn rực cháy...
PV Tiến Nguyên
Hồng Long