Gian lận thi THPT quốc gia: Không đặt giới hạn cho việc điều tra
(Dân trí) - Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải thích, điều tra vụ gian lận thi cử phải chỉ ra được hành vi cũng như người phạm tội mới giải quyết được vụ án. Nếu mở rộng điều tra, xác định thêm dấu hiệu phạm tội thì phải tiếp tục kéo dài thời gian làm án. Tương tự, về phạm vi điều tra, nếu phát hiện dấu hiệu ở những địa phương khác cũng sẽ làm tiếp, không thể để lọt…
Điều tra gian lận thi cử không chỉ ở Hà Giang, Sơn La
Chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm chiều 13/8, đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội băn khoăn, thời gian điều tra vụ gian lận thi cử THPT quốc gia bao giờ có kết quả, phạm vi điều tra có mở rộng ra ngoài các tỉnh Sơn La, Hà Giang và thêm cả thời gian trước?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đây là vụ án đang được tập trung điều tra, dù muốn làm nhanh nhưng phải chuẩn về quy trình xử lý tội phạm, phải chỉ ra được hành vi cũng như người phạm tội. Trả lời được những câu hỏi đó mới giải quyết được vụ án. Vậy nên, theo Bộ trưởng Tô Lâm, đến thời điểm này, vẫn chưa thể nói được thời gian sẽ kết thúc vụ án này. Hiện cơ quan công an mới khởi tố và xác định thời gian 4 tháng, nếu mở rộng được điều tra thêm thì phải tiếp tục kéo dài thời gian làm án.
Về phạm vi làm án, tư lệnh ngành công an cũng giải thích tương tự, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm ở những địa phương khác thì phải điều tra làm rõ chứ không để lọt hành vi, đối tượng phạm tội nào.
“Tóm lại là không có giới hạn nào cho việc điều tra các hành vi phạm tội trong các lĩnh vực này” – Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Đại biểu Thanh Bình nêu con số 26.000 vụ việc liên quan đến tội phạm về kinh tế và chức vụ đã phát hiện thời gian qua. Tình hình thu hồi tài sản từ nhóm tội phạm này là khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó tiền tham nhũng thu hồi được dù đã có nhiều cải thiện nhưng cũng mới đạt khoảng 37%. Nguyên nhân của thực tế này và giải pháp khắc phục?
Thượng tướng Tô Lâm khái quát, kết quả đấu tranh với tội phạm tham nhũng từ năm 2017 đến nay có chuyển biến tích cực, đã được nhiều cơ quan đánh giá. Tại các địa phương, hiện chỉ có 5 tỉnh không có án tham nhũng so với con số đến 20 tỉnh của những năm trước đây. Như vậy nghĩa là các địa phương cũng đã vào cuộc tích cực để “đánh” án tham nhũng.
Kết thúc phiên chất vấn, vẫn còn gần 10 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm mà không đủ thời gian nêu câu hỏi
Chuyển biến về thu hồi tài sản, so với những năm trước đã tiến bộ rất nhiều. Đã có những vụ án thu hồi được gần 50% số tiền tham nhũng. Đó là nỗ lực lớn vì tội phạm tham nhũng thường rất tinh vi, diễn ra trong thời gian dài nên đủ thời gian tẩu tán, chuyển tài sản ra nước ngoài trong khi Việt Nam chưa có công cụ kiểm soát dòng tiền chặt chẽ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề cập tình trạng tội phạm cuỗm những khoản tiền lớn từ ngân hàng, từ ngân sách… rồi cao chạy xa bay để lại hệ quả lớn. Cách nào triệu hồi những đối tượng này về Việt Nam để xử lý?
Theo Bộ trưởng Công an, đối tượng trốn truy nã phần lớn là theo các đường bất hợp pháp, đi theo đường tiểu ngạch, không qua quản lý của các cơ quan xuất nhập cảnh. Với những đối tượng đang có dấu hiệu liên quan đến các vụ án, Bộ Công an đã đề xuất không cho xuất cảnh và việc đó đã được chấp nhận. Với những cán bộ, đảng viên đang trong quá trình điều tra, xem xét ban đầu thì cũng phải tạm dừng xuất cảnh để ngăn chặn. Còn với những đối tượng đã trốn thì công an Việt Nam hợp tác với Interpol và các nước để có thể đưa những người này về xem xét xử lý.
Không có vùng cấm với án kinh tế, tham nhũng
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu chốt lại phần trả lời chất vấn của 2 Bộ trưởng
Phát biểu làm rõ thêm các vấn đề sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công an, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực Trương Hoà Bình nhấn mạnh, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội có vị trí đặc biệt tạo môi trường phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Phòng chống tội phạm là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, lực lượng công an là nòng cốt. Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật về phòng chống tội phạm. Nhiều dự án luật quan trọng đã được ban hành, sửa đổi; nhiều chương trình ra đời để bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới và mang lại nhiều kết quả... Điều tra xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm với các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Bên cạnh kết quả đạt được thì công tác phòng chống tội phạm còn tồn tại như tham mưu nắm tình hình một số trường hợp còn lúng túng, bị động. Tội phạm có tổ chức, giết người, cướp của, ma tuý, xâm hại trẻ em... còn diễn ra phức tạp, gây bức xúc dư luận, nhất là tội phạm tín dụng đen, cần cương quyết đấu tranh xử lý triệt để.
Xử lý không có vùng cấm, bất kỳ ai ở cương vị nào nếu có hành vi vi phạm đều phải xử lý.
Đảng, nhà nước và nhân dân quyết tâm xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh, mọi người dân được sống thực sự yên bình. Do vậy trách nhiệm của bộ ngành địa phương, đặc biệt là công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm là rất nặng nề.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, chúng ta sẽ làm tốt và làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đối ngoại.
P.Thảo