Dừng điện hạt nhân Ninh Thuận để tránh nguy cơ như vụ Formosa
(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh cho biết, cơ quan thẩm tra đồng ý với đề xuất dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ngoài việc dự án không hiệu quả, một lý do được cân nhắc là sau vụ Formosa, việc xử lý chất thải hạt nhân cho thấy tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn…
Bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Lê Hồng Tịnh trao đổi với PV Dân trí trước khi Quốc hội xếp lịch họp để xem xét tờ trình về việc dừng dự án.
- Lý do tại sao dự án được trình dừng một cách đột ngột, gấp gáp như vậy tại kỳ họp này, thưa ông?
- Không phải đột ngột, gấp gáp đâu mà sau một thời gian triển khai đầu tư, báo cáo khả thi dự án (FS) đã gần như hoàn thiện cho thấy vấn đề là tổng mức đầu tư quá cao, tăng gần gấp đôi dự kiến ban đầu mà Quốc hội đặt ra trong Nghị quyết 41. Theo đó, tính khả thi của dự án không còn nữa. Giá điện dự kiến ngày xưa chỉ có 4 cent- 4,5 cent/kwh nhưng giờ theo tính toán mới thì giá thành điện sản xuất ra sẽ tới gần 8 cent/kmh. Mà đây là mình còn chưa tính toán hết các yếu tố như trần giá điện sẽ trội lên thêm.
Ngoài ra, một số vấn đề, dù mình cũng đã lường trước nhưng vẫn thấy tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Nhất là sau vụ Formosa, chúng ta xác định, chất thải hạt nhân, dù hiện có rất nhiều công nghệ lưu giữ nhưng ngay với những nước phát triển của thế giới, cũng vẫn là một vấn đề cho thấy tiềm ẩn những yếu tố gây mất an toàn.
Vấn đề nữa nổi lên là tình hình Biển Đông hiện nay mà khi ban hành Nghị quyết 41 về chủ trương đầu tư dự án mình chưa lường tới. Trong khi đó, vị trí dự kiến xây dựng dự án điện ở Ninh Thuận lại rất gần khu vực quần đảo Hoàng Sa , Trường Sa, tiếp giáp với khu vực chiến lược mà nhiều người rất quan tâm.
- Như trao đổi của lãnh đạo EVN thì có vấn đề là các cơ quan dự báo, tính toán không chuẩn về nhu cầu phải phát triển nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế, thưa ông?
- Về tăng trưởng kinh tế, trước đây nhiều tính toán của ta, mức tăng trưởng bình quân là 7,5-8%/năm, thậm chí ở mức cao là trên 9-10%/năm. Mà tăng trưởng đi liền với nhu cầu năng lượng lớn, cứ mỗi đơn vị tăng trưởng kinh tế, điện cũng phải tăng trưởng 2%. Như vậy, với 7-8% tăng trưởng thì điện phải tăng 16%/năm, thậm chí theo tính toán của mình là 22%. Khi đó thì các nguồn năng lượng của chúng ta như nhiệt điện, thuỷ điện đều đến giới hạn khai thác nên khi đó phải tính đến điện hạt nhân. Nhưng với tình hình kinh tế hiện nay thì có cố gắng, mức tăng trưởng của ta cũng chỉ tới 6%/năm.
Ngoài ra, với công nghệ tiết kiệm điện bây giờ, một cái bóng chỉ 5W hiện nay độ phát sáng cũng bằng bóng 50W, tương tự công nghệ và các thiết bị sử dụng điện tiết kiệm khác cũng đã rất phát triển rồi. Tổn hao điện của ngành diện trước cũng rất lớn (8-10%) nhưng giờ chỉ còn 5-6% mà khả năng còn giảm nữa nên phần này ta cũng tiết kiệm được lượng điện năng đáng kể.
Với tất cả những tính toán đó thì nhu cầu điện tới 2020-2021 của mình vẫn đáp ứng tốt.
- Nói như vậy, có vẻ như ông đồng tình với đề xuất dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận của Chính phủ. Quan điểm chung của UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội - cơ quan thẩm tra tờ trình của Chính phủ về vấn đề này thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi đồng ý. Dù vậy, tất nhiên là Quốc hội còn phải họp, thảo luận cụ thể rồi mới quyết định được vấn đề này.
- Như ông nói, không phải đến lúc này việc dừng dự án điện hạt nhân mới được gấp gáp đặt ra. Vậy thì tại sao đến thời điểm này chúng ta mới bàn đến việc dừng trong khi nhiều yếu tố “không thuận” như ông nói đã diễn ra suốt thời gian qua?
- Việc dừng dự án lúc này cũng hợp lý vì nợ công đang quá trần. Nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tiếp tục tăng nữa. Dừng còn hơn tới khi triển khai rồi, tiêu tốn hơn rồi mới dừng.
Tất nhiên không đầu tư điện hạt nhân thì chúng ta có thể đầu tư vào việc khác để đảm bảo nguồn điện.
- Việc xem xét lại vấn đề đầu tư điện hạt nhân là xu hướng chung của thế giới, nhất là sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản. Ngoài Việt Nam, có quốc gia nào cũng phải đối mặt với bài toán khó cần quyết định như chúng ta?
- Có. Một số nước đang triển khai làm điện hạt nhân, đã nhập máy móc thiết bị rồi còn phải dừng, mà để đến giai đoạn đó, mức lãng phí còn nhiều hơn nữa. Ví dụ như Nam Phi, nước này đã gần như chuẩn bị xong hết rồi cũng phải dừng. Tại Đức, nhiều nhà máy cũng phải bỏ, dừng triển khai thêm điện hạt nhân vì điều kiện có nhiều thay đổi về công nghệ, vấn đề an ninh và vấn đề chất thải.
Việc giải quyết chất thải hạt nhân đặt ra yêu cầu rất cao về xử lý môi trường, công nghệ lưu trữ cũng không phải dễ, nhất là qua vụ Formosa vừa qua ta phải thận trọng... Chúng ta dừng dự án ở thời điểm này là đúng lúc, cần thiết phải dừng.
- Phương án xử lý hậu quả của dự án phải dừng dở dang như này đã được tính tới chưa, thưa ông?
- Thực tế, việc đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân về lâu dài mình đã nghiên cứu từ xưa, từ những năm hoà bình lập lại, Bác Hồ đã rất quan tâm đến việc đào tạo cho nguồn nhân lực chất lượng cao như vậy. Còn đương nhiên là trước mắt, những người được đưa đi đào tạo để phục vụ dự án này giờ về chúng ta chưa dùng ngay vào việc này được nhưng thực tế, điện hạt nhân với các dạng nhà máy nhiệt điện khác cũng có công nghệ tương tự, chỉ khác về nguồn sinh nhiệt thôi. Vậy nên trước mắt, một số tổng công ty phát điện, nhà máy điện bây giờ đang triển khai cũng có thể sử dụng được nguồn nhân lực này.
Nói chung về nguồn nhân lực, chúng ta vẫn sử dụng được vì trước khi đưa con em đi học, chúng ta đã chọn những người có trình độ cao rồi nên sẽ rất quan tâm việc giải quyết. Nguyên tắc là phải sử dụng tối đa nguồn nhân lực này, không để lãng phí.
- Có thông tin cho rằng, đến nay chúng ta đã phải tiêu tốn đến hàng nghìn tỷ đồng cho dự án này rồi?
- Đúng vậy, nhưng nếu tiếp tục thì còn tiêu tốn nữa. Cái gì cũng có giá của nó và nếu dừng hợp lý hơn thì còn tốt hơn là tiếp tục dự án mà hậu quả sẽ còn lớn hơn nữa, gây tác động còn lớn hơn nữa. Có những cái chúng ta phải chấp nhận hi sinh.
Nhưng về nguồn nhân lực thì chúng ta sớm muộn cũng phải đào tạo. Còn hạ tầng mà trước đây đã đầu tư thì ta có thể dùng để làm những việc khác, ví dụ giải phóng mặt bằng làm khu vực khai thác điện mặt trời, năng lượng tái tạo, khu công nghiệp… sẽ vẫn đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp đối với Ninh Thuận.
- Còn những vấn đề đền bù với các đối tác khi buộc phải dừng dự án thì sao, thưa ông?
- Tất nhiên sau này, phía các bộ ngành liên quan cũng phải có những trao đổi, thương thảo cho hợp lý vì việc dừng dự án cũng có những lý do “bất khả kháng” như mình nêu. Vì so với dự kiến ban đầu thì giá thành đầu tư của dự án quá cao, gấp đôi tổng mức đầu tư nên tính khả thi kém.
Có sự đội giá như vậy vì sau khi sự cố Fukushima ở Nhật Bản, ta đưa ra yêu cầu trong Nghị quyết 41 là phải sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, an toàn. Như thế thì đương nhiên giá thành bị đẩy cao lên. Mình đặt mục tiêu an toàn lên quá cao thì tổng mức đầu tư phải lên.
Trước đây dự kiến tổng mức đầu tư chỉ 200.000 tỷ đồng nhưng giờ theo tính toán phải tới hơn 400.000 tỷ đồng. Mà dự án đang bị chậm như này nữa thì mức đầu tư còn cao hơn.
- Có ý kiến cho rằng, quyết định dừng dự án lúc này cũng là một sự dũng đảm của các cơ quan. Dù vậy, vẫn cần xem xét trách nhiệm đối với công tác thẩm định, dự báo dẫn đến những quyết định đầu tư bất hợp lý, gây thiệt hại thế này, thưa ông?
- Đúng, tôi cho rằng đề xuất việc này là một sự dũng cảm của Chính phủ. Còn trách nhiệm thì phải chịu thôi chứ nếu lúc này không dám đứng ra đề xuất, cứ để mọi việc diễn ra thì sau này còn nguy hiểm nữa.
Đây là bài học rất là cay đắng cho chúng ta. Việt Nam là nước đi sau những nước khác về việc làm điện hạt nhân nên chúng ta vấp những chuyện này thôi. Khi chủ trương đầu tư, giá dầu thế giới đang cao như thế, nên chúng ta nghĩ điện hạt nhân là cứu cánh khi năng lượng hoá thạch cao như vậy và rồi cả dầu, cả than cũng sẽ hết. Giai đoạn đó ta tính toán như vậy nhưng càng ngày về sau diễn biến càng khác nên phải chấm dứt. Càng sớm càng tốt chứ để đầu tư thêm, khi nhập thiết bị về nữa thì càng nguy hiểm nữa, lúc đó mới quyết không làm nữa thì tốn kém gấp bội.
- Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)