"Động lực phát triển quan hệ lâu dài và thực chất"

Chuyến thăm 3 nước châu Âu của Tổng Bí thư tạo động lực mạnh mẽ phát triển quan hệ có ý nghĩa chiến lược giữa Việt Nam với các đối tác.

Thủ tướng David Cameron đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Thủ tướng David Cameron đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Chiều 24/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Italy, thăm chính thức Vương quốc Anh, từ ngày 17-24/1/2013.

Ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đã trả lời phỏng vấn của nhóm phóng viên báo chí đi theo đoàn về kết quả chuyến thăm.

- Xin ông cho biết bối cảnh và ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu, Cộng hòa Italy và Vương quốc Anh?

Ông Hoàng Bình Quân: Đây là chuyến thăm có tính lịch sử, lần đầu tiên tới một số nước Tây Âu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; khẳng định chủ trương coi trọng thúc đẩy, phát triển quan hệ giữa Việt Nam với EU và với các nước có vai trò quan trọng ở châu Âu.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa. Việt Nam và Vương quốc Bỉ, Cộng hòa Italy và Vương quốc Anh đều kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2013. Chuyến thăm là một dấu mốc rất quan trọng, là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác tốt đẹp, nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác này trong tình hình mới. Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng Bí thư đến Vương quốc Anh đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Bác Hồ đã từng sống và hoạt động ở đây (từ năm 1913 đến năm 1917).

- Trong chuyến thăm tới các nước Tây Âu lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã có các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao, đồng thời có nhiều hoạt động tiếp xúc với các doanh nghiệp và địa phương của bạn... Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của chuyến thăm?

Ông Hoàng Bình Quân: Chuyến thăm của Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đến các nước Tây Âu lần này rất thành công. Bạn dành cho ta sự đón tiếp rất trọng thị, với nghi thức cao nhất, thể hiện sự coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam, coi trọng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mong muốn thúc đẩy thực chất quan hệ toàn diện với nước ta. Các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc diễn ra rất cởi mở, thẳng thắn, thực chất, thể hiện tình cảm sâu sắc cũng như sự tin cậy của các nước đối với Việt Nam.

Ta và bạn đã phối hợp xây dựng chương trình chuyến thăm rất phong phú, nhiều tầm cấp, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, rất đa dạng. Nội dung trao đổi rất thiết thực, nhằm tăng cường quan hệ chính trị; thúc đẩy trọng tâm quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư; nhấn mạnh sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo; mở rộng và tăng cường quan hệ quốc phòng an ninh và các lĩnh vực khác.

Chuyến thăm cũng là dịp để các đối tác quan trọng ở châu Âu hiểu hơn về Việt Nam, về thành tựu đổi mới, về chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, qua đó tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ và tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ của các đối tác. Tổng Bí thư và các nhà lãnh đạo các nước mà Đoàn đến thăm, lãnh đạo EU đã dành thời gian thỏa đáng để trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Ta nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của các nước, của EU về lập trường giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trên tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và hướng tới sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên liên quan tại Biển Đông (COC).

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã chứng kiến ký hàng loạt thỏa thuận, kế hoạch, chương trình hợp tác trong nhiều lĩnh vực: Kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục-đào tạo, quốc phòng an ninh, văn hóa và một số dự án cụ thể.

Như vậy có thể thấy, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta lần này là dấu mốc rất quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ, nền tảng cho việc Việt Nam thúc đẩy quan hệ toàn diện với các đối tác quan trọng ở châu Âu.

Với Cộng hòa Italy, chúng ta đã nâng khuôn khổ hợp tác thành đối tác chiến lược. Với Vương quốc Anh, chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa các nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược. Với Vương quốc Bỉ, chuyến thăm tạo ra một dấu mốc, một động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Với EU là bàn các biện pháp để thúc đẩy quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất. Nhân chuyến thăm các nước Tây Âu lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có cuộc gặp gỡ với Giáo hoàng Benedict XVI trên tinh thần trao đổi thẳng thắn và hiểu biết lẫn nhau.

Về quan hệ chính trị, Tổng Bí thư cùng các nhà lãnh đạo EU và các nước Đoàn đến thăm, đều nhất trí tăng cường mạnh mẽ quan hệ chính trị, làm cơ sở cho phát triển quan hệ lâu dài trên các mặt, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư; nhất trí cần tăng cường đối thoại tin cậy, duy trì gặp gỡ và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao cũng như trao đổi ở các cấp.

Về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Tổng Bí thư và các đối tác Tây Âu đã thảo luận một cách thực chất về tiềm năng hợp tác và đặt ra các vấn đề hết sức thiết thực để thúc đẩy và mở rộng, phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với EU và với Vương quốc Bỉ, Cộng hòa Italy, Vương quốc Anh - những đối tác hàng đầu của Việt Nam.

Đối với EU, lãnh đạo hai bên đặc biệt hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA) và cam kết sẽ tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) trong thời gian tới; nhất trí cho rằng cần thiết mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các nước trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh; thúc đẩy các bộ, ngành liên quan triển khai các cơ chế hợp tác hiện có và các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm; cùng nhau bàn bạc và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như phòng, chống tội phạm; quản lý ứng phó khủng hoảng; đối thoại chính sách; hợp tác về kỹ thuật quân sự…

Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo các nước và EU, nhất trí tiếp tục duy trì hợp tác và phối hợp trên các diễn đàn đa phương; dành nhiều thời gian bàn về các biện pháp thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Việt Nam với tư cách là Điều phối viên quan hệ ASEAN-EU và sẽ là cầu nối để tăng cường, thúc đẩy quan hệ giữa hai khu vực quan trọng của thế giới; đồng thời bàn về những vấn đề gìn giữ hòa bình và phát triển ở khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương.

Tôi tin rằng, với sự quan tâm và quyết tâm của lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức liên quan, cùng với những nỗ lực, sự sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương, nhân dân Việt Nam và các nước, mối quan hệ giữa Việt Nam với EU và với các nước này sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của các nước, vì hòa bình, phát triển của khu vực và trên thế giới.

- Thưa ông, trong thời gian tới chúng ta cần làm gì để hiện thực hóa kết quả chuyến thăm và thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với các nước: Bỉ, Italy, Anh, cũng như với EU?

Ông Hoàng Bình Quân: Như trên đã nêu, kết quả chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo nền tảng, động lực mạnh mẽ cho việc phát triển các mối quan hệ có ý nghĩa chiến lược, lâu dài giữa Việt Nam với các nước và các đối tác quan trọng này. Thứ nhất, cần sớm cụ thể hóa nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược và Tuyên bố chung Việt-Anh; thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả và thực chất việc thực hiện các chương trình hành động trong quan hệ với Vương quốc Anh.

Thứ hai là thúc đẩy một cách thực chất các trọng tâm hợp tác đã được Việt Nam và các bên xác định trong chuyến thăm. Điều này đòi hỏi vai trò chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác; phát huy mạnh mẽ và thiết thực các cơ chế hợp tác song phương. Các bộ, ngành, cơ quan có chức năng cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các thỏa thuận đã ký.

Thứ ba, trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc rất thiết thực với lãnh đạo các chính đảng, nhất là các đảng cầm quyền ở các nước Đoàn đến thăm. Phát huy kết quả và tinh thần của chuyến thăm, sẽ tăng cường, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ của Đảng ta với các chính đảng ở các quốc gia châu Âu.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!/.

Theo Nguyễn Thị Sự

TTXVN