Đà Nẵng: Nhiều cơ quan công vụ phục vụ nhân dân chưa tốt

(Dân trí) - “Bên cạnh những kết quả đạt được, nền công vụ của TP chưa thật sự chuyển biến tốt theo hướng phục vụ nhân dân, kỷ luật còn chưa nghiêm; tác phong làm việc, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân ở một số cơ quan chưa đáp ứng được yêu cầu…”.

Đó là ý kiến của ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU về “Tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, hách dịch đối với nhân dân của cán bộ, công chức các cấp” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực” của Ban Thường vụ Thành ủy được tổ chức ngày 1/11.

Đà Nẵng: Nhiều cơ quan công vụ phục vụ nhân dân chưa tốt
Thành ủy Đà Nẵng tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11 và Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Thành ủy

Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã đạt được các mục tiêu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là những lĩnh vực về thiết lập thể chế pháp lý phù hợp, huy động được sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của TP theo định hướng Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), tạo cơ chế năng động để TP phát triển nhanh; giữ vững kỷ luật kỷ cương, cải tiến lề lối làm việc, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ngày càng được nâng cao, chính quyền các cấp vững mạnh, đủ sức bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành…; các mục tiêu về xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp và hiện đại đạt được nhiều kết quả ban đầu khá quan trọng, làm tiền đề cho những nỗ lực tiếp theo.

Đặc biệt, những nỗ lực chung về phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và cải cách hành chính (CCHC) đã góp phần nâng cao tính minh bạch và chất lượng dịch vụ hành chính công.

Từ năm 2006-2012, Đà Nẵng luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu và có chỉ số tốt về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh, hiệu quả và chất lượng CCHC so với toàn quốc. Nhiều mô hình, cách làm mới của Đà Nẵng được Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước đánh giá cao.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng nhìn chung so với mong đợi của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng những thành tựu đạt được vẫn chưa đáp ứng, nhất là trong xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, chuyên nghiệp; bộ máy các cơ quan Đảng, đoàn thể và chính quyền tuy được củng cố, kiện toàn nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; trách nhiệm cá nhân chưa được cụ thể hóa; cơ chế phối hợp trên nhiều lĩnh vực chưa tốt; hệ thống thủ tục hành chính nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, gây nhiều khó khăn, phiền hà cho tổ chức, công dân khi thực hiện các giao dịch hành chính.

Đà Nẵng: Nhiều cơ quan công vụ phục vụ nhân dân chưa tốt
Trong 10 năm qua, TP Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu quan trọng, là TP động lực của khu vực miền Trung Tây Nguyên

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh các hạn chế trên, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức công vụ của đội ngũ CBCCVC tuy có tiến bộ hơn so với trước nhưng chưa thật sự có tính chuyên nghiệp; các biểu hiện tiêu cực, phiền hà đối với tổ chức, công dân, doanh nghiệp vẫn còn tiếp diễn trên một số lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, chất lượng phục vụ và niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.

Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện các trách nhiệm công vụ đối với đội ngũ CBCCVC vẫn chưa có một cơ chế triển khai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu. Mục tiêu tạo động lực làm việc và nâng cao thu nhập của CBCCVC chưa được cải thiện đáng kể, chưa có giải pháp hỗ trợ CBCCVC có thu nhập thấp để có thể ổn định hơn trong công tác và phát huy nội lực.

Để tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân, xây dựng đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu phát triển của TP trong tình hình mới, tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất với dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về vấn đề này.

Trong đó, nhiều đại biểu tán thành cao với giải pháp tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ CBCCVC các cấp; nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ theo tinh thần “5 xây”: “Trách nhiệm”, “Chuyên nghiệp”, “Trung thực”, “Kỷ cương”, “Gương mẫu”; đồng thời kiên quyết thực hiện “3 chống” các biểu hiện: “Quan liêu”, “Tiêu cực”, “Bệnh hình thức”.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho rằng, trong thời gian 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 11 và Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Thành ủy cũng là thời điểm mà Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng có nhiều chính sách quan trọng, đột phá để thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, Bí thư Đà Nẵng cho biết Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành Chỉ thị mới về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong tình hình mới”.  

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy Đà Nẵng, Thành ủy đã thực hiện kiểm tra 74 tổ chức đảng cấp dưới và 609 đảng viên có dấu hiệu vi phạm.

Trong đó, số đảng viên trong toàn Đảng bộ TP có vi phạm phải xem xét, xử lý kỷ luật là 446 người. Cụ thể có 207 trường hợp bị khiển trách, 167 trường hợp bị cảnh cáo, cách chức 22 trường hợp và khai trừ đảng 50 trường hợp.
 

Về mặt chính quyền, TP Đà Nẵng đã tiến hành khiển trách 62 trường hợp, cảnh cáo 36 trường hợp, hạ bậc lương năm trường hợp, cách chức chín trường hợp, buộc thôi việc 8 trường hợp và không bổ nhiệm lại 5 trường hợp.


Công Bính