Đắk Lắk:
Cụ ông trên 50 năm sưu tầm ảnh Bác Hồ
(Dân trí) - Bàn tay run run lật từng tấm ảnh Bác Hồ mà mình đã sưu tập, cụ Anh kể về những lần trong đời được gặp Bác, những kỉ niệm mà cuộc đời không bao giờ cụ quên và về những bức ảnh về Bác mà hơn 50 năm qua cụ vẫn cất giữ đén tận bây giờ.
Ba lần được gặp Bác Hồ và hơn 700 tấm ảnh sưu tầm về Bác
Một buổi trưa hè tháng 5, chúng tôi tìm đến nhà cụ ông Phạm Hùng Anh (83 tuổi, ngụ thôn Tân Quý, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), để được cụ kể về những ngày tháng trai trẻ hoạt động cách mạng và nghe kể về khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong cuộc đời cụ khi được gặp Bác Hồ và được Bác gửi tặng cho 1 túi kẹo mà cụ Anh quý hơn vàng.
Mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, chân tay đã yếu nên việc đi lại rất khó khăn nhưng trò chuyện với chúng tôi cụ Anh vẫn vô cùng minh mẫn khi kể về quá trình hoạt động cách mạng của mình. Cụ Anh sinh ra và lớn lên tại tỉnh Quảng Nam, đến năm 1946 chàng thanh niên Hùng Anh tham gia vào đội Dân quân du kích, tự vệ chiến đấu đánh giặc cho đến năm 1954 sau hiệp định Genève, cụ được điều chuyển ra miền Bắc để tham gia Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.
Cụ Anh bên tấm ảnh lần đầu tiên sưu tầm về Bác được đăng trên báo năm 1963Trong thời gian học tập và công tác tại Nông trường Đông Hiếu (tỉnh Nghệ An), cụ Anh đã may mắn được lần đầu tiên trong đời được gặp Bác Hồ bằng xương bằng thịt, được nghe Bác trò chuyện và dặn dò, tâm sự với mọi người trong Nông trường. “Lúc Bác vừa đến nơi rất nhiều người đã khóc và tôi cũng khóc vì quá đỗi xúc động, không ngờ được rằng Bác giản dị và gần gũi đến vậy, trên người Bác lúc đó mặc 1 bồ đồ kaki đơn giản, chân mang đôi dép cao su. Bác Hồ đã hỏi về thành tích của Nông trường đạt được và không ngừng dặn dò các anh chị em phải luôn phấn đấu, đoàn kết, đùm bọc để cùng nhau tiến bộ”, cụ Anh xúc động kể lại.
Mặc dù, chỉ được gặp Bác khoảng 15 phút nhưng đối với cụ Anh đó là niềm hạnh phúc khôn xiết, không thể tả được và khoảnh khắc ấy đến tận bây giờ cụ vẫn nhớ như in.
Đến năm 1963, lần thứ 2 cụ Anh được gặp Bác Hồ trong chuyến Bác tới thăm Bệnh viện Việt Tiệp (TP. Hải Phòng), lúc này cụ là một trong những người vinh dự được đi đón Bác tại sân bay Cát Bi. Và trước lúc cụ Anh đi chiến trường B3 (Chiến trường miền Nam) để chiến đấu, cụ đã vinh dự lần thứ 3 được gặp Bác Hồ trong chuyến thăm các trường học tại tỉnh Hòa Bình.
Giây phút được gặp Bác, ấn tượng về con người và nhân cách cao đẹp của vị lãnh tụ đáng kính đã in đậm trong tâm khảm của chàng trai Phạm Hùng Anh năm ấy. Từ đây, cụ Anh bắt đầu đọc nhiều sách, báo viết về Bác Hồ, điều này ngày càng tăng lên lòng kính yêu của cụ với Bác, mỗi tờ báo có in hình Bác cụ đều giữ lấy và cắt ảnh có Bác cất cẩn thận và xem đó như “báu vật” của cuộc đời mình.
Cụ trân trọng từng bức ảnh mà mình sưu tậpCuối năm 1963, cụ Anh đi miền Nam chiến đấu, lúc này “gia tài” về bộ sưu tập ảnh Bác hồ ở các tờ báo, tạp chí mà cụ cất giữ khá nhiều. Nhưng đi vào Nam, chưa biết sẽ sống chết ra sao nên cụ đã gói ghém tất cả những bức ảnh ấy đưa lại cho người anh trai của mình giữ dùm. “Ngày ấy, không biết vào chiến trường có sống sót trở về hay không nên tôi đã gửi lại và nói anh trai nếu tôi hi sinh thì hãy lấy ảnh của Bác mang về cho gia đình cất giữ làm kỷ niệm và dặn rằng nhất định không được làm mất bất kỳ tấm ảnh nào của Bác”, cụ nhớ lại.
Năm 1969, cụ Anh quay trở ra Bắc lấy lại các tấm ảnh của Bác đem về và tiếp tục việc sưu tầm ảnh bác từ các tờ báo suốt từ năm 1963 cho đến ngày nay. Sau khi Đắk Lắk được giải phóng vào năm 1975, cụ Anh được cử vào đây cùng đội quân tiếp quản, sau đó cụ công tác tại nông trường 718 huyện Krông Pắk và làm cán bộ ban kiến thiết xã Vụ Bổn cho đến ngày nghỉ hưu.
Sau hơn 50 cất công sưu tầm, cụ Anh đã có khoảng 700 tấm ảnh về Bác Hồ được đăng tải trên các báo, tạp chí. Đặc biệt, những tấm ảnh này không có tấm nào trùng nhau và được cụ nâng niu, lưu giữ ảnh bằng cách ép nhựa lại hoặc cắt 1 tấm giấy cứng dán ở mặt sau tấm ảnh, để tấm ảnh không bị rách. Mỗi tấm ảnh, là mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi bài báo viết về sự kiện trong tấm ảnh cụ Anh đều nhớ như in từng tấm một.
Nhớ như in từng sự kiện về Bác trên mỗi tấm ảnhChia sẻ với chúng tôi, cụ Anh cho biết, tấm ảnh mà cụ tâm đắc và nhớ nhất là tấm ảnh lần đầu tiên cụ sưu tầm về Bác trên báo Nhân dân đăng ngày 25/1/1963, chụp Bác cùng ông Nguyễn Văn Hiếu công tác tại Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đương thời, “trong bài báo Bác Hồ có nói “Hình ảnh của miền Nam yêu quý ở trong trái tim tôi” đây là câu nói của Bác tôi nhớ mãi và trân trọng Bác thật nhiều”, cụ Anh tâm sự.
Khi bộ sưu tập về ảnh Bác ngày một nhiều, cụ Anh đã mua về 3 chiếc khung kính loại lớn dán cẩn thận từng tấm vào và treo trên tường để giáo dục con cái về nhân cách cao đẹp của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sau đó, cụ đã tặng lại 2 khung ảnh lớn với khoảng 400 tấm ảnh về Bác cho Ban tuyên giáo huyện Krông Pắk và 1 khung ảnh cho Đảng ủy xã Vụ Bổn để trưng bày tại trụ sở.
Kẹo Bác Hồ tặng quý hơn vàng
Không chỉ may mắn được gặp Bác, cụ Anh còn vinh dự từng được Bác Hồ gửi tặng kẹo cho mình. Cụ kể lại, vào năm 1969, trong lúc cụ đang điều trị tại Bệnh viện E (Hà Nội), lúc này ông Nguyễn Duy Trinh – Bộ trưởng Bộ ngoại giao lúc bấy giờ đã ghé thăm và trao kẹo của Bác Hồ gửi tặng cho các anh em chiến sĩ ở trong miền Nam ra, mỗi người 1 được 1 gói. “Khi nhận được kẹo Bác Hồ gửi tặng, thật là không có gì hạnh phúc cho bằng, túi kẹo đó rất đẹp và được gói lại cẩn thận. Tôi mang túi kẹo về đổ vào 1 chiếc bình thủy tinh rồi dùng paraphin hàn kín nắp lại để kẹo khỏi hư và cất giữ cẩn thận, tôi rất tự hào khi cả 4 người con của tôi ai cũng được ăn kẹo của Bác Hồ tặng”, cụ Anh vui mừng nói.
Được biết, hũ kẹo của Bác Hồ cụ Anh giữ mãi cho đến năm 1980 khi sinh cô con gái út, cụ đã cho con gái mình ăn kẹo của Bác rồi mới an tâm, coi đó như tâm nguyện lớn lao của cuộc đời mình.
Những tấm ảnh được cụ Anh sưu tầm đóng vào khung ảnh tặng cho xãKhông chỉ vậy, cụ Anh còn không ngừng học tập tấm gương của Bác Hồ, cụ sống giản dị, chan hòa cùng mọi người và tuy đã luống tuổi nhưng cụ vẫn thường tham mưu cùng lãnh đạo xã trong những công tác chung. Cả 4 người con của cụ, đều được cụ giáo dục sống đúng mực và đều trở thành Đảng viên gương mẫu của xã.
Với những cống hiến của mình cho cách mạng, cụ Anh đã được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến Hạng nhất vì có thành tích trong cuộc Kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất vì đã có công lao trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Lê Quang Hưu – Bí thư Đảng ủy xã Vụ Bổn, cho biết: “Cụ Phạm Hùng Anh là một Đảng viên tiêu biểu của xã và cụ đã trên 50 năm tuổi Đảng, cụ sống được mọi người yêu mến và kính trọng. Việc cụ sưu tầm tất cả ảnh liên quan đến Bác Hồ xuất phát từ lòng yêu kính và ngưỡng mộ Bác, mục đích của cụ luôn muốn giáo dục con cháu mình và thế hệ trẻ luôn phải không ngừng học tập theo tấm gương cao đẹp của Bác Hồ”.
Một số bức ảnh cụ Phạm Hùng Anh sưu tầm trong suốt hơn 50 năm qua:
Trương Nguyễn